Cá nhân

Bản đồ tính cách – Bạn là ai [Hiểu về bản thân]

Người ta nói “biết mình biết ta, trăm trận không nguy”, nhưng mà tôi dám khẳng định rằng nhiều khi chúng ta cũng lạc lối với câu hỏi “TÔI LÀ AI”, với sự phát triển của MXH, ngày ngày, hàng giờ chúng ta bắt gặp những câu như “tìm lại chính mình” (mà mình là ai còn không biết thì sao mà tìm lại mình) hay “sống với đam mê” nhưng lướt qua những bài viết, cuối cùng cũng chỉ toàn là đam mê đi phượt, bỏ việc nếu bị áp lực để làm việc mình thích (vì nghĩ sẽ không bị áp lực nữa) bla bla chứ chẳng hề dính dáng gì tới đam mê hay là chính mình (mình là ai) cả, rồi người ta bảo nhau ông A, bà B có tính bốc phét, lười, vô kỉ luật, rồi gán luôn cho họ cái tính cách ấy, nhưng theo phân loại của Tâm lý học, đó chỉ là một loại hành vi mà thôi.

Lướt web, mình thấy một bài viết khá hay về bản đồ tính cách của Trương Đức Minh dựa trên MBTI (Myers-Briggs Type Indicator)  nhằm phân loại xem bạn thuộc nhóm nào để giúp bạn hiểu hơn về bản thân. Vì chỉ có hiểu về bản thân, chúng ta mới biết mình hợp với ai và làm cái gì để phát huy tối đa những gì mình đang có, theo cái cách mà mình vốn có.

Giờ vào phần chính, tôi sẽ giới thiệu năm nhóm yếu tố chính sẽ quyết định tính cách của một người trước.

Yếu tố thứ nhất – Cách lấy năng lượng.

Dựa vào cách lấy năng lượng, MBTI chia làm hai kiểu người là người Hướng nội và người Hướng ngoại. Người hướng ngoại cảm thấy được tiếp năng lượng từ những hoạt động mang tính nhiệt tình, như hoạt động nhóm, dã ngoại, du lịch nhóm, nói chuyện với mọi người, gặp mặt bạn bè. Nhóm này mà để họ ở một mình hơi lâu sẽ cảm thấy buồn buồn chịu không nổi, tro tàn bếp lạnh là điều tối kỵ với họ, phải sung, hoạt động nhiều thì họ mới thấy sảng khoái và khoẻ mạnh.

Ngược lại người hướng nội rất thích ở một mình, đối với họ việc tập trung chú ý vào một chủ đề mang tính cá nhân, sở thích đam mê riêng, không gian tĩnh lặng, môi trường ít xung đột là điều kiện tiên quyết để họ cảm thấy lên tinh thần, khoan khoái, dễ chịu, xả stress. Nhóm này mà bắt họ phải xã giao với người lạ, làm việc trong môi trường nhiều áp lực, hay gặp những người ăn nói bỗ bã ồn ào, thì họ sẽ rất mau thấy chán nản, khó chịu, tức giận và hiệu suất làm việc xuống rất nhanh.

Yếu tố thứ hai là Ưu tiên sử dụng năng lượng.

Yếu tố này gồm hai nhóm người là người Trừu tượng và người Thực tế. Tại sao gọi là ưu tiên sử dụng năng lượng, nói nôm na cho dễ hiểu thì nhóm Trừu tượng sẽ thấy những vấn đề ngắn hạn, thực tế ngay trước mắt là những chuyện vặt, cỏn con, tủn mủn, không có ý nghĩa; còn nhóm Thực tế thì ngược lại, cho rằng những việc xa xôi về thời gian và không gian là những việc tào lao bí đao, chẳng có lan quyên gì tới sự sống thực chất hiện tại, không có nghĩa lý gì. Thật ra cả hai yếu tố trừu tượng và thực tế đều quan trọng. Một sự cân bằng sẽ công nhận người thực tế là những người xử lý công việc hiệu quả và đáng tin cậy, trong khi người trừu tượng có khả năng think out of the box, họ sáng tạo, nhìn ra những khía cạnh khác cũng quý giá nhưng thường bị bỏ qua do quá khó hiểu đối với người thực tế.

Người trừu tượng giỏi giải đáp chữ Why trong khi người thực tế rất thông thạo chữ How.

Yếu tố thứ ba là Giá trị sống ưu tiên.

Yếu tố này bao gồm người Lý trí và người Tình cảm. Người lý trí quan trọng nhất là sự hiệu quả. Đối với họ ý định dù tốt đến đâu nhưng nếu không đúng phương pháp và dẫn đến kết quả tồi thì cũng không có giá trị. Họ sẵn sàng ra quyết định gây phật lòng nhiều người nếu họ biết cuối cùng nó đem lại quả ngọt. Người tình cảm thì quan tâm đến cảm xúc của người khác hơn. Đối với họ cách làm nào dù có tốt nhưng làm tổn thương mọi người thì đều là sai lầm và không có giá trị. Quan trọng không phải đích đến mà là quãng đường chúng ta đi bên nhau, người tình cảm nghĩ như vậy đấy.

Yếu tố thứ tư là Chiến lược sống.

Yếu tố này gồm hai nhóm là người Kỷ luật và người Tuỳ cơ ứng biến. Người kỷ luật thích lập kế hoạch cụ thể và ghét nhất là mọi việc không xảy ra theo đúng như họ dự trù. Họ làm mọi cách để chuẩn bị và chi phối hoàn cảnh theo ý mình, gồm dự trù rủi ro, tuân thủ nguyên tắc, hoàn thành trước thời hạn, quyết định nhanh ngay khi còn thế chủ động. Nhờ chiến lược này nên người Kỷ luật ít khi gặp chuyện bất ngờ, tai nạn, hay tai hoạ không ngờ do thiếu sót, xao nhãng. Nhưng một khi sự vụ bất ngờ ập tới ngoài tất cả những bức tường dự liệu của họ, dù nhỏ và nếu bình tĩnh thì họ dễ dàng vượt qua, thì nhóm người này lại trở nên lúng túng và hoảng loạn hơn bình thường. Ngược lại người Tuỳ cơ ứng biến có khả năng thích nghi cực nhanh, thay đổi tốt, nhanh trí, linh hoạt tuỳ hoàn cảnh sẽ có cách cư xử tốt nhất. Nhưng cũng vì vậy mà họ hay “hoa rơi cửa Phật vạn sự tuỳ duyên”, họ ghét lập kế hoạch, không thể tuân thủ nguyên tắc, và thiếu kiên nhẫn. Họ cũng thường hay gặp tai nạn tiếu lâm và làm trò cười cho thiên hạ vì những sai sót hết sức ấu trĩ do thiếu sự chuẩn bị chu đáo, thói đãng trí và mất tập trung.

Serie này gồm 3 phần, hai phần sau sẽ là chi tiết 16 loại tính cách của 4 nhóm:

Phần hai: Nhóm trí tuệ;

Phần ba: Nhóm đạo đức, trách nhiệm và khám phá.

Yếu tố cuối cùng là Vị trí đặt góc nhìn chính mình(*).

Tôi nghĩ rằng chúng ta phần lớn hiểu sai câu “Đặt vị trí của mình vào vị trí người khác”, đặt vị trí người Kỉ luật để nhìn theo góc người tùy duyên liệu có hợp lý, rồi người trừu tượng sẽ thực sự thấu hiếu người thực tế…tất nhiên, vẫn sẽ làm được nếu chúng ta rèn luyện được tư duy luân chuyển các kiểu tư duy cho một vấn đề (thay đổi góc nhìn, tạo ra cách tiếp cận vấn đề khác nhau). Nhưng mà cho đến cuối cùng thì chúng ta cũng nên biết kiểu “Vị trí đặt góc nhìn chính mình” là kiểu gì đã, kiểu này sẽ bao gồm người Từ ngoài nhìn vào và người Từ trong nhìn ra.

Người từ ngoài nhìn vào thường xuyên tự hỏi trong mắt mọi người, trong mắt thế hệ sau, mình là người như thế nào. Họ tham vọng lớn và luôn luôn nỗ lực tuyệt vời để thành công vì chỉ có như vậy họ mới nhìn thấy bản thân mình sống có ích, có giá trị. Ở phiên bản tích cực nhất, họ đóng góp lớn vào tiến trình đi về phía trước của nhân loại, mở giới hạn, và biến điều không thể thành có thể. Nhược điểm là nếu như mọi việc không được như ý, tức là thất bại trong quan điểm của họ, thì họ sẽ cảm thấy chán nản và bi quan, tiêu cực, tự ti, xấu hổ, nặng lời chỉ trích quá đáng mọi người, hay đem điểm xấu của người khác ra sỉ vả, cười cợt.

Ngược lại, người Từ trong nhìn ra không có tham vọng lớn, họ không quan tâm tới người khác nghĩ gì về mình mà chỉ quan tâm tới vai trò của bản thân sẽ tốt nhất như thế nào để phù hợp với tổng thể xã hội. Đây là những người khiêm tốn, thích nhường sân khấu cho người khác, nếu là người Hướng ngoại thì rất giỏi chiêu hiền đãi sĩ, vinh danh nhân tài, đắc nhân tâm và dùng người rất giỏi, còn nếu Hướng nội thì cực kỳ độc lập, tỉ mỉ, tính tập trung và kiên định cao, tránh tranh chấp nhưng cũng không ngại đứng giữa một rừng tranh chấp vì tâm họ bất biến giữa dòng đời vạn biến. Có điều đặc biệt là người Từ ngoài nhìn vào không chịu thừa nhận mình là kiểu người như vậy đâu nha các bạn, vì họ lo lắng nếu thừa nhận mình hay lo người khác nghĩ gì về bản thân thì tức là mình yếu đuối. Còn người từ Trong nhìn ra thì không thừa nhận mà cũng chẳng phủ nhận gì cả, do họ liên tục trong trạng thái tìm hiểu môi trường bên ngoài nên không để ý đến bản thân mình.

Phần này đến đây là hết, hy vọng bài viết giúp các bạn cảm thấy có ích trong việc khám phá bản thân.

*Đây là yếu tố dễ thay đổi nhất trong một con người, đang có tranh cãi trong việc phân loại là một loại tính cách phổ quát vì nó không ảnh hưởng nhiều đến đặc trưng tâm lý gì độc đáo ở mỗi người.