Cá nhân

Học Đại học để làm gì ? 6 lí do để đi học Đại học.

Ở nước mình, có vài thứ nó cứ như là mặc định dành cho bon trẻ, đặc biệt chính là chuyện học Đại học, tốt nghiệp THPT thì sẽ là học Đại học (thi không được thì mới học Cao đẳng hoặc Trung cấp), chuyện chọn trường thường sẽ là Oai là chính, sau đó mới đến khả năng và họa huần mới có chuyện thi vì thích nghành đó. Bọn trẻ đa phần được bố mẹ, nhà trường nhồi vào đầu rằng việc học Đại học là để như anh A chị B, là sau này “ấm thân, kiếm việc nhẹ, lương cao” chứ chẳng có thêm những lí do chính đáng nào khác (và có lẽ chưa bao giờ nói về mục đích của việc học ). Cái việc này góp phần không nhỏ trong việc tạo ra những cử nhân sau khi ra trường nhận ra một điều rằng nghành mình học chẳng liên quan gì đến tính cách và sở thích của mình và rồi bạn thấy tiếc cho 4-5 năm mài đít ở ghế nhà trường, bạn thấy thật lãng phí khi đi học, nhưng không, ít nhất Đại học cho ta 6 điều sau mà nhất định trong suốt quãng đời còn lại bạn sẽ phải dùng đến, đó là:

Thứ nhất, Đại học cho ta… Tấm Bằng.

Nhiều bạn sẽ phản đối, bảo học mấy năm đại học cầm trong tay mảnh bằng, nhưng hóa ra khi đi xin việc thì chỉ cần có bằng lái xe gắn máy hạng A1 là được nhận. Bằng tốt nghiệp đại học của mình giờ cũng để ở nhà, công ty cũng không cần giữ, nhưng, tấm bằng đó là một minh chứng quan trọng cho việc chúng ta đã HOÀN THÀNH một quá trình học tập đầy mệt mỏi. Sau đi làm các bạn sẽ thấy, để có thể hoàn thành một quá trình, một dự án công việc nào đó không hề dễ đâu. Mình có nhiều dự án mà thực lòng mình chỉ mong nó kết thúc cho nhanh vì nó đã quá chán nản nhưng vẫn cứ phải làm tiếp, lúc đó chỉ nghĩ đến học Đại học mệt mỏi thế mình còn hoàn thành, ba cái dự án lìu tìu này thì tuổi tôm, sợ gì.
Sau này những lúc phỏng vấn nhân sự, mình hay hỏi về những việc mà ứng viên đã làm hoàn thành từ đầu đến cuối. Bất kể việc gì, to nhỏ không quan trọng, nhưng thói quen hoàn thành công việc đó sẽ khiến mình tin cậy hơn khi giao việc sau này. Chứ giờ cứ khó lại bỏ, hoặc đang làm thấy có thứ hay hơn lại dừng việc này chuyển sang việc khác thì độ tin cậy làm sao mà lớn được.

Thứ hai, Chuyên Môn.

Đại học đương nhiên là cho Kiến thức chuyên môn của một nghề nào đó sau này. Sẽ có nhiều môn học chẳng biết là để làm gì, vì nó chẳng liên quan gì đến chuyên môn cả, nhưng vẫn phải học và thi tướt bơ. Sau ra trường mình mới hiểu, mấy môn đó là để rèn luyện sự chịu đựng. Vì cuộc đời có phải lúc nào cũng cho ta những thứ ta thích hay liên quan đến thứ ta thích đâu.
Mình ra trường không làm việc liên quan đến nghành Luật, nhưng nói gì thì nói, nếu không biết gì về luật thì không thể làm tốt nghề môi giới bất động sản được. Theo dõi những đứa bạn cùng lớp đi theo công việc chuyên môn thì mình cũng ngưỡng mộ lắm, thành Luật sư, Thẩm phán, Kiểm sát viên, làm bộ nọ, bộ kia, chứ chẳng có đứa nào rảnh hơi suốt ngày ngồi nói phét như mình. Có một công việc mà mình nắm vững chuyên môn để làm nó lâu dài kiếm sống là một điều sung sướng lắm chứ.

Với những bạn chọn nghề liên quan trực tiếp đến cuộc sống của con người như Y, Dược, Luật, Sư phạm…hay tài sản cả đời của người ta như môi giới bất động sản, môi giới chứng khoán…thì học tốt kiến thức chuyên môn là việc cực kỳ quan trọng.

Thứ ba, Đại học cho ta Bạn bè.

Chúng ta có thể kết bạn trong suốt đời, nhưng những người bạn Đại học rất khác. Lúc đó tuổi đã gọi là lớn, không biết nhiều về nhau cho đến khi gặp nhau nên có chút mới mẻ, rồi chơi cùng nhau, cũng có những lúc va chạm, nhưng rồi cuối cùng trở nên thân thiết. Bạn bè sẽ cùng ta chia sẻ mọi vui buồn của quãng đời sinh viên ẩm ương, khiến quãng đời này trở nên thú vị vô cùng. Cha mẹ thường khuyên con cái là hãy chọn bạn nào chăm ngoan học giỏi, hiền lành tử tế mà chơi. Nhưng nói thật là kiểu tròn trịa đó chơi chán chết, bạn bè mình toàn đứa cũng hơi méo mó như mình, mỗi đứa một kiểu, nhưng quan trọng là hết lòng với nhau. Khi mình buồn nó buồn cùng, khi mình điên nó điên cùng.
Nhớ có hôm uống rượu say, mình bảo tao buồn quá, có cái gì vui không, thằng bạn cùng phòng lặng lẽ ra hòm lấy một bánh pháo to như cái chậu ra hành lang châm lửa ném xuống sân làm nửa đêm cả KTX nháo nhào, bảo vệ và quản lý lùng sục khắp các phòng. Cả phòng mình ra ngồi nhìn, thằng bạn quay sang bảo: “Vui nhờ. Pháo tao định để đốt Tết, nhưng giờ buồn thì đốt luôn”, thế là hết buồn, (dù sau cả phòng đi nhổ cỏ mất một tuần vì có thằng phòng khác hớt lẻo). Chứ giờ mình buồn nó lại ngồi mỉm cười hiền từ bảo “Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi bạn ạ” thì chắc mình bóp cổ nó mất.
Cũng có lần thằng đó bị bạn gái bỏ, uống rượu say về nôn be bét ra giường, thế là mấy thằng lại phải khiêng nó ra, lau dọn, thay chiếu, thay chăn và nghe nó đọc thơ. Dọn xong, phòng nồng nặc mùi bã nôn, mấy thằng chép miệng bảo ngửi mùi này thèm rượu quá, vậy là lại góp tiền trèo kí túc ra mua đồ về nhậu. Gần sáng cũng say nôn be bét. Thằng thất tình lúc đó tỉnh lại, lại lọ mọ đi dọn cho cả lũ say kia… Giờ nhìn lại có thể phán xét nhiều điều, nhưng tại thời điểm đó, mình chỉ thấy vui và yêu chúng nó chết đi được…

Thứ tư, Đại học cho ta học cách Chia sẻ.

Sống giữa một môi trường tập thể mười mấy thằng, đến từ những nơi khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, tính cách khác nhau nên cũng xảy ra đủ thứ va chạm. Nhưng để sống lâu được với nhau, một điều tiên quyết, đó là phải biết vặn nhỏ cái tôi của mình lại và chia sẻ cùng nhau. Chia sẻ không gian sống, chia sẻ những điều kiện vật chất của mình với bạn bè…
Phòng mình đợt đó có một thằng nhà nghèo lắm, bữa cơm nó chỉ mua cơm, rau và ăn với mắm muối. Nhưng nó cũng rất kiêu hãnh, không nhận sự giúp đỡ của những thằng khác, cứ đến bữa ăn là nó mua cơm về phòng ăn một mình, chắc ra hàng sợ người khác nhìn nó ăn ít nó ngại. Thế là mấy thằng trong phòng cũng mua cơm về nhà ngồi ăn cùng nó. Thi thoảng lại có thằng gắp miếng thịt lên chửi: “Tổ sư cái hàng cơm này, thịt gì mà bì toàn lông thế này nó cũng kho, không thể ăn được…”. Sau đó gạt miếng cơm ra rìa túi. Thằng nhà nghèo trừng mắt chửi: “Sao mày phí phạm thế, không ăn để bố mày ăn, cái lũ con nhà giàu chúng mày đúng là sướng mà không biết”. Rồi quần áo cũng vậy, thi thoảng có thằng lại chê một cái quần một cái áo nào đó, thằng “đồng nát” kia nó vơ tất, kèm theo câu chửi bọn nhà giàu phí phạm. Cả hội cười khì khì, ừ, mày chửi kệ mày, các bố không quan tâm.
Đấy là cho, còn nhận thì khó hơn. Hồi đó mình được mẹ lo cho một hộp thuốc những loại thuốc cơ bản, hướng dẫn sử dụng chi tiết. Trộm vía đợt đó ít ốm đau, nhưng bọn bạn trong phòng thì ốm nhiều, vậy là mình kiêm luôn việc chẩn bệnh phát thuốc dù mình học Nông học chứ không phải Thú y. (may không đứa nào chết, tại toàn bệnh thông thường cảm sốt nhức đầu đau bụng…). Rồi đến ngày mình ốm, chả hiểu sao mình lại chẳng muốn phiền ai, tự bò xuống căn phòng làm việc của hội sinh viên nằm ở đó, tự lo thuốc, đến bữa tự đi mua cháo. Chắc cái cảm giác đã đẹp chai lại còn cô đơn hồi đó cũng thú vị. Thằng bạn cùng phòng biết, nó chửi cho. Nó bảo là ai chả có lúc ốm đau khó khăn, thế nên mới phải nhờ nhau, dựa vào nhau. Mày ốm mà chẳng nhờ bọn tao, lần sau bọn tao ốm, làm sao dám mở mồm ra xin thuốc mày… Nghe cũng có lý. Sau sống nhiều hơn mới hiểu, biết cho đi đương nhiên là tốt, nhưng biết nhận lại cũng tốt, không thì lấy đâu cơ hội để người khác cho đi.

Thứ năm, Đại học cho ta sự Độc lập (Quan trọng nhất)

Chúng ta sẽ phải độc lập và tự lo cho cuộc sống của mình. Ban đầu hơi bỡ ngỡ, rồi sẽ quen, từ thu xếp cuộc sống đến việc độc lập trong các trải nghiệm cảm xúc. Xưa ở gần gia đình, cảm xúc của mình gần như cả gia đình biết. Ngỏ lời với bạn gái thành công là cả gia đình đi ăn lẩu chúc mừng. Nhưng ở Đại học, ta trải nghiệm những cảm xúc đó độc lập một mình. Vui có, buồn có, hạnh phúc có, tủi nhục cũng có… và nó là của riêng mình, mình toàn quyền quyết định sẽ chia sẻ cho ai hoặc sẽ giữ kín riêng mình. Những cảm xúc độc lập đó như đang xây riêng một căn nhà tâm hồn cho bản thân mình, không còn phụ thuộc nhiều vào căn nhà chung của gia đình mình nữa, mình dần dần độc lập về tâm hồn.
Hồi đó thi xong Học kỳ 1, nửa khóa thi lại môn Triết học. Ngày biết điểm, bọn sinh viên năm một xếp hàng dài trước bàn điện thoại dịch vụ (hồi đó chưa có di động như giờ). Đứa nào cũng gọi điện về khóc lóc kể lể với bố mẹ rằng con thi lại. Mình cũng đứng trong hàng người đó, nhưng là gọi điện về xin tiền ăn thêm lấy sức ôn thi lại. Nhưng tới đợt học kỳ hai, số trượt nhiều không kém kỳ một, nhưng chẳng còn hàng người nào xếp hàng gọi điện khóc với gia đình nữa. Cả lũ đã tự tiêu hóa nỗi buồn đó, hoặc hết tiền gọi điện.
Việc thu xếp cuộc sống thì khoai hơn. Sẽ không có ai nhắc nhở ta, chỉ có những quy định của nhà trường và của các bà chủ quán cơm. Ta phải tự quản lý giờ giấc, tiền bạc. Xưa muốn mua gì thì xin tiền mẹ, nay cầm cả cục tiền, tiêu ra làm sao là cả vấn đề. Mình hồi đó cứ lĩnh tiền nhà lên là vác ra quán cơm nộp tiền ăn cả tháng. Thường thì cuối tháng vẫn thừa vì có nhiều bữa quên ăn, lại đổi thành bia cỏ vác về cho cả phòng. Rồi sắp xếp thời gian cho phù hợp với lịch học, lịch sinh hoạt ký túc… Cũng chỉ quy củ được kỳ đầu, sang kỳ sau, nhờ sự dìu dắt của các đàn anh, mình cũng nắm được đủ các chiêu trò để hack điểm danh, hack điện, hack nước để chủ động… He he, chuyện này không kể sâu được, không mang tiếng.

Thứ sáu, Đại học cho ta nhiều thứ Điên rồ.

Cứ sống lâu rồi sẽ biết, càng có tuổi chúng ta càng bớt những trò điên rồ. Hồi bé quá ở nhà mình mà nghịch ngu thì người điên rồ sẽ là phụ huynh cùng với cái cán chổi lông gà chứ không phải mình. Nhưng lên đại học, chúng ta ung dung tự tại, thừa năng lượng nhưng lại thiếu khôn ngoan nên hội tụ đủ các điều kiện để làm các việc điên rồ.
Hồi đó bọn mình cứ rảnh là ngồi nghĩ trò nghịch cho đỡ buồn. Mình có tài cậy khóa nên hack hết các khóa tum KTX, do vậy đêm đêm, bọn mình lên nóc KTX nhậu tung giời chả ai biết, xung quanh chim lợn nhảy tưng tưng xin ăn. Hay có đêm hè, 1 – 2h sáng mưa như trút, mấy thằng không ngủ được rủ nhau cởi hết quần áo, tụt dây chống sét xuống (may không có sét) rồi cứ thế vừa chạy vừa hét váng cả mấy khu KTX. Mưa rát cả người, nhưng sướng và chả lo ai thấy. Có lần chạy đến đúng đoạn qua KTX nữ thì mưa tạnh, có đứa nhìn thấy bọn mình hét toáng lên gọi cả phòng dậy nhìn, làm bọn mình chạy chối chết.
Mấy thằng thừa xung năng thì còn có môn đua xe rác. KTX có mấy cái xe thu rác vứt ở góc. Mấy thằng lừa lừa hack hai cái, rồi 2 đội thi với nhau, cho 1 thằng ngồi lên cho đầm xe rác, một hội đẩy cái xe rác đó chạy rầm rầm cả KTX. Có kết quả thắng thua phát là vứt xe mà chạy, kẻo bị tóm thì lại nhổ cỏ. Những trò này thì kể cả ngày không hết, thi thoảng cũng có thằng trả giá vì mấy trò điên rồ, nhưng thôi, coi như nó đen. Chứ lúc bắt đầu có thằng nào sợ đâu.

Tóm lại

Học Đại học là một cơ hội tuyệt vời để trải nghiệm cuộc sống, có cái nhìn đa chiều về một vấn đề, có tư duy độc lập không bị trói buộc vào một định kiến hay lý thuyết nhất định nào cả, ở bậc Trung học, có thể bạn bị học thụ động nhưng lên đến bậc Đại học, bạn sẽ được phát triển một kĩ năng vô cùng quan trọng khác đó là khả năng tự học. Điều này, tất nhiên không đúng với tất cả Sinh viên Đại học, nhưng cơ bản khi một người có đủ trải nghiệm, có kiến thức chuyên môn cộng với những phương pháp luận cơ bản của Triết học và Logic học, họ sẽ có khả năng tự học và độc lập trong tư duy.

*Bài có sử dụng tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn.