Nhà đất Tây Hồ hưởng lợi từ thành phố ven sông Hồng

Sông Hồng được định hướng là trục xanh, cảnh quan trung tâm và phát triển đô thị hài hòa hai bên sông, theo nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.

Ngày 16/6, Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính Thủ đô với 12 quận, 17 huyện và một thị xã, diện tích 3.359,84 km2.

Kế thừa bản quy hoạch chung theo Quyết định 1259/2011 của Thủ tướng (Quy hoạch 1259), quy hoạch điều chỉnh tiếp tục đặt mục tiêu phát triển Thủ đô thành thành phố văn hiến – văn minh – hiện đại, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Hà Nội sẽ trở thành “thành phố kết nối toàn cầu, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực”.

Các thành phố vệ tinh xung quanh Hà Nội

Quy hoạch trước đây xác định Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm 5 đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Mỗi đô thị vệ tinh có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, công nghiệp, dịch vụ.

Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô tiếp tục đặt mục tiêu phát triển các đô thị vệ tinh với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm; tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị, xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục đường Nhật Tân – Nội Bài (Võ Nguyên Giáp).

Để đạt được các mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà cao tầng tại khu vực trung tâm và triển khai chương trình cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị; ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ và vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị – nông thôn.

Thành phố cũng được giao đề xuất các giải pháp chiến lược để khắc phục tồn tại về quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tắc nghẽn giao thông. Cụ thể là điều chỉnh, bổ sung các giải pháp quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung theo định hướng quy hoạch ngành quốc gia (đường hàng không, đường bộ, đường thủy, đường sắt) gắn với lộ trình triển khai theo từng giai đoạn. Thành phố nghiên cứu rà soát bổ sung các tuyến đường trục chính, cầu qua sông Hồng, sông Đuống, sông Đà, sông Đáy và các tuyến sông chính khác.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1259. Sau 13 năm triển khai, thành phố chưa phát huy được vai trò, vị thế, tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô trong vùng Thủ đô; quy mô dân số vượt ngưỡng dự báo.

Cụ thể, quy hoạch 1259 dự báo dân số toàn thành phố đến năm 2020 khoảng 7,3 đến 7,9 triệu. Tuy nhiên, kết quả tổng điều tra dân số đến giữa năm 2019 của Hà Nội đã hơn 8 triệu. Mật độ dân số khu vực trung tâm chạm ngưỡng 9.570 người/km2, gần gấp đôi dự báo, vượt khỏi tầm kiểm soát của quy hoạch cũ.

Một số vấn đề chưa được đề cập tại quy hoạch chung như đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, khai thác không gian xây dựng ngầm đô thị. Giai đoạn từ năm 2011 đến nay, một số quy định pháp luật liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới…

Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng và được chấp thuận chủ trương điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Thủ đô đến 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Dự kiến, đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô sẽ được báo cáo Bộ Xây dựng xem xét trong tháng 8, trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10.

Khi đồ án điều chỉnh quy hoạch được thông qua, các khu vực ven sông Hồng của Tây Hồ nói riêng và Tây Hồ nói chung sẽ được hưởng lợi trực tiếp tự cơ sở hạ tầng sau quy hoạch, nhà đất Tây Hồ lại rộn ràng đón sóng.

Thắng Tây Hồ

Tôi yêu Tây Hồ, đam mê Bất động sản, thích âm nhạc, cụ thể là rock, chụp hình, dựng phim, viết lách, kinh doanh. Lý tưởng sống của tôi là chia sẻ, thế nên tôi lập ra blog này để chia sẻ về những điều đó.