Sĩ diện hão, sự hèn nhát đã giết chết bao nhiêu thế hệ rồi ?
Mới đây có vụ Thạc sĩ tốt nghiệp từ Mỹ về làm tại Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM với lương 2,8tr/tháng. Thế nên anh đã phải chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm thu nhập, sự việc được lan tỏa trên báo, MXH, ủng hộ anh thì ít mà chửi anh và chế độ thì nhiều. Sau khi đọc nhiều bài chê bai mình nhận ra vài điểm chung của những người chê bai anh :
1. Sĩ diện hão.
Chúng ta thích oai là chính, cái này nó lây từ đời cha đến đời con. Nên từ nhỏ, các bố mẹ đã muốn con cái luôn phải nhất khu, học nhất lớp, đỗ ĐH oai nhất, ra trường phải làm công việc “có địa vị xã hội” nếu không phải là Quan thì cũng phải CEO, Founder, Trưởng phòng hoặc Công ty nước ngoài, chứ các bố không quan tâm con cái thích thứ Hai hay thứ Ba, các bố muốn con sau này phải làm Quan, vì quan mới có quyền đạp người khác, mới hét được ra lửa, nhưng tựu quy lại vẫn là oai. Bọn trẻ được nhồi sọ “học cho ấm thân” (Vun vén lợi ích/để có lợi thế khi xin việc) chứ không bao giờ được dạy, học để “làm người, làm việc có ích, để tự chủ và để hạnh phúc” hay học Đại học để làm gì cả.

Trong các câu chuyện của bố mẹ hầu như chỉ là khoe con cái học nhất lớp, làm Quan hoặc lương của nó thế nào, chẳng bao giờ nói, nó có hạnh phúc với lựa chọn của nó hay không. Bọn trẻ không được định hướng nên trở thành thế nào, chúng không được phép lựa chọn, chúng suốt ngày bị nhồi sọ “không học sau này đi xách vữa, hốt rác nghe con”. Tôi đã từng bất ngờ khi một chị dừng xe trước quán trà đá, chỉ vào tôi và nói với đứa con “không học, sau này phơi mặt ra đường mà bán trà đá” và tất nhiên, tôi bonus thêm cho chị “và chạy xe ôm nữa”, thằng bé mếu máo trước sự đe dọa của mẹ nó, còn tôi thấy thương hại cho mẹ nó.
Cộng đồng được tạo nên từ những cá thể, những cá thể lớn lên từ gia đình, cũng chính vì thế, thói sĩ diện hão được lan tỏa ra toàn cõi với những biến thể vô cùng phong phú và tất nhiên, nó đã khuyến mãi cho đất nước những hậu quả khôn lường mà bạn có thể đọc tại đây.
2. Bị phụ thuộc về mặt tư duy.
Ở nhà bọn trẻ được dạy “không học thì đi mà làm cu li” đến trường chúng được dạy về “những nghề cao quý”, vì đạo đức giả nên thầy cô tất nhiên không bao giờ nói về vế đối lập là “những nghề mạt hạng”, nhưng theo thời gian, chúng sẽ nhớ lại người đàn ông ở quán trà đá, chúng sẽ nhận ra, nếu không phải cao quý thì sẽ là mạt hạng, ỡi ôi. Chúng không muốn hoặc sẽ không thừa nhận mình sẽ có một cái nghề mạt hạng vì theo cái thái độ phân cấp của bố mẹ, thầy cô giáo, khi làm những nghề không cao quý, chúng sẽ không oai và chỉ nhận lại được sự coi thường mà thôi. Bọn trẻ, chúng thật tội nghiệp, chúng đã bị tước mất khả năng tự định nghĩa, những cái nhìn đa chiều, rằng, việc bạn làm nghề gì, miễn không vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội (cái này mới là cái gia đình và nhà trường nên định hướng) không liên quan đến nhân cách tốt hay xấu-và nhân cách mới là thứ đáng nói đến chứ không phải nghề nghiệp.
Vì quá phụ thuộc về mặt tư duy, khi chúng ta làm bố mẹ, chúng ta cảm thấy hãnh diện khi con cái nói sai nó nghe sai, nói đúng nó nghe đúng và không hề thắc mắc về những gì chúng ta truyền đạt, nhưng khi có sự phản kháng, chúng ta phát điên (sẽ phân tích ở mục 3), chúng ta dọa nạt, chúng ta, bằng mọi cách bắt chúng thực hiện ước mơ của mình (tại mục 1) BẰNG MỌI GIÁ.
Chúng ta cố gắng tạo ra một một thế hệ mà cho đến cuối cuộc đời sẽ nhận ra một sự thật cay đắng, chúng đã đánh đổi hạnh phúc của mình bằng ước muốn của người khác thay vì là bản thân mình.
Hoặc nếu chúng nhận ra sớm và muốn phản kháng lại, có lẽ nạn nhân chính là những ông bố bà mẹ muốn con cái mình sống một cuộc đời hoàn hảo, hãy đọc sự việc đau lòng trên đây.
3. Những kẻ hèn nhát.
Với (1) và (2) chúng ta tạo ra những kẻ hèn nhát và cố chấp, những kẻ cả đời không dám thay đổi và đối diện sự thật, những kẻ thay vì thay đổi bản thân lại đổ lỗi cho hoàn cảnh, những kẻ thay vì nỗ lực, đối diện trực tiếp vào vấn đề lại luôn ca thán cha mẹ chúng đã không nỗ lực để được như bố mẹ thằng A, đã không cho con cái khả năng phản biện và thích nghi với hoàn cảnh.
Chúng ta tạo ra những kẻ không thích phản biện, thế nên chúng khoái trá với những tấm gương bỏ học nhưng vẫn thành tỉ phú như Bill Gates và chúng không bao giờ nghĩ được vế còn lại rằng chúng nên vào học Harvard đã, trước khi chúng bỏ học. Các lớp học làm giầu không khó mọc lên như nấm và thu hút vô số những kẻ “thích oai”, thích những nghề cao quý chứ không thích những nghề mạt hạng. Sau đó thì những ông “thầy giáo” bị bắt và khép vào tội lừa đảo, nhưng cha mẹ của chúng cũng có tội khi đã tạo ra những con mồi.

Chúng ta tạo ra những kẻ thích ra oai nhưng lại không dám đổi mặt với thử thách (chứ đừng nói đến hiểm nguy), cái này (phần lớn) nó ăn từ thế hệ này qua thế hệ khác thì phải, tôi từng cười không ngớt khi nghĩ về lễ hội đâm trâu, liệu những người đàn ông có dám đâm con trâu nếu nó không bị gô cổ vào cái cột không ? Tôi cá là không và thậm chí, cũng chẳng ai dám đến xem đâm trâu (vì không có hàng rào bảo vệ) chứ đừng nói đến việc vào đâm một con vật đang phải chọn lựa giữa sống và chết.
Còn hiện nay thì sao, có lẽ chúng ta sẽ biết thêm tại đây.
4. Những kẻ đạo đức giả.
Khi anh Tam Asanzo và trước đó là Khải Silk bị bắt, người ta mới vỡ lở ra rằng tất cả chỉ là treo đầu dê, bán thịt “heo dịch”, có thể chất lượng hàng hóa của các anh (Trung Quốc) tốt, nhưng tại sao các anh cứ phải nhất định gào lên đó là công nghệ Nhật Bản, hay hàng (Trần Duy Hưng) Việt Nam chất lượng cao. Là các anh hèn nhát không chịu chấp nhận rằng các anh không thể đủ trình độ để tạo ra một sản phẩm đúng nghĩa Việt Nam, hay các anh muốn ra oai với thiên hạ hay các anh rất giỏi trong việc nắm bắt tệp khách hàng của mình.
Trước đó, câu chuyện về một cậu bé 12-13 tuổi đạp xe xuyên màn đêm hơn 100km xuống Hà Nội thăm em trai nằm viện, người ta nhất loạt tung hô nhiệt tình về tình cảm anh em thắm thiết, đó quả là một tấm gương sáng để mọi người nhìn vào. Còn tôi thì giật mình vì với một người trưởng thành tập thể thao, đạp xe 100km với xe chuyên dụng cũng là rất mạo hiểm khi đạp xe trong đêm (các vấn đề nội tại và ngoại cảnh tác động) một mình, rủi ro này tăng lên 100 lần với đứa trẻ tầm 10-14 tuổi, chúng có thể chết khi học theo thần tượng được bố mẹ và các “nhà báo” trao cho. Chưa kể câu chuyện ấy là chuyện hay truyện nữa.
Trên mạng người ta có câu kinh điển, những đứa hay nói đạo đức thường có cái mồm to ngoại cỡ, nhưng cũng không trách họ được nếu từ nhỏ (1), (2) và (3) đã được nhồi vào đầu họ bằng cả hai cách vô tình hoặc hữu ý và từ nhà cho đến trường.
Thế cho nên, dù có học Đại Học, Thạc Sĩ, Tiến Sĩ hay Giáo Sư, những đứa trẻ của chúng ta sau này rất có thể cũng chỉ có một mục đích duy nhất đó là tìm kiếm lợi thế khi đi xin việc hoặc chỉ để cho bố mẹ nó (khi còn sống) oai hơn. Rồi cái vòng lặp lại quay lại, con cái sẽ thực hiện ước mơ oai của chúng ta.
Quay lại câu chuyện Thạc Sĩ chạy xe ôm, cá nhân mình thấy anh ấy thực sự rất dũng cảm và tôn trọng anh ấy. Anh ấy tốt nghiệp ĐH Bách Khoa, tự xin học bổng toàn phần tại một ĐH danh tiếng tại Mỹ, cầm bằng Master trong tay, có khinh nghiệm trong môi trường chuyên nghiệp trước đó, với mình, anh ấy có thừa khả năng để chiếm ưu thế khi đi xin việc. Nhưng có lẽ, anh ấy đã ngộ ra chân lí và mục đích của việc học là để giải phóng bản thân, dũng cảm lắng nghe những ước muốn, đứng lên chiến đấu vì nó và để cống hiến nữa. Mình biết, trong mấy năm qua Nhà nước đã rất cố gắng để giữ lại nhân tài trong bộ máy, thanh lọc những sâu một nhưng, nếu chỉ Nhà nước cô gắng thôi chưa đủ, nếu như những nhân tài ấy không chịu cống hiến, những trí thức đi học chỉ để với mục đích duy nhất là lương chứ không cần lý tưởng. Tôi tin vào bộ máy nơi mà những nhân viên lương tháng chưa nổi 3 triệu, chấp nhận chạy xe ôm sau giờ làm để trang trải cuộc sống chứ không lựa chọn đè lên người khác để kiếm chút lợi lộc.
Tôi tôn trọng người đã chọn phục vụ đất nước mình mặc dù anh ấy có thừa khả năng đầu quân cho một tập đoàn đa quốc gia nào đó để “chuyển giá” ra nước ngoài hoặc tư vấn cắt bớt chế độ xã hội của công nhân một cách hợp pháp.
Lựa chọn làm một người tốt và làm những điều tử tế chưa bao giờ là dễ dàng.