Tây Hồ định hướng phát triển du lịch văn hóa “xanh”.

Kế hoạch của Thành phố Hà Nội là xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm văn hóa mới của Thủ đô gắn với phát triển du lịch “xanh” là việc làm cần thiết và đúng hướng.

Theo đó, trong thời gian tới, quận Tây Hồ sẽ đẩy mạnh đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa để tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị nhằm đưa quận sớm trở thành trung tâm dịch vụ – du lịch, văn hóa của Thủ đô.

Tây Hồ – đi đầu trong việc phát triển công nghiệp văn hóa.

Kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đến năm 2025 xác định, ngành CNVH Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, sẽ đóng góp khoảng 5% GRDP của Thành phố; tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; giữ vững và phát triển thương hiệu Thủ đô ngàn năm văn hiến, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”.

phố đi bộ Trịnh Công Sơn về đêm
Phố đi bộ Trịnh Công Sơn về đêm

Bà Lê Thị Thu Hằng, Bí thư Quận ủy Tây Hồ cho biết, quận xác định phát triển CNVH là điều kiện để phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Mục tiêu đưa CNVH trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thu nhập, thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, từng bước xây dựng quận Tây Hồ trở thành trung tâm dịch vụ du lịch, văn hóa của Thủ đô.

Phát triển CNVH phải đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh của đất và người Tây Hồ. Với phương châm “đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững”, Tây Hồ khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng tham gia phát triển ngành CNVH.

Theo Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến, phát triển CNVH là con đường để văn hóa Tây Hồ tham gia cạnh tranh trên thị trường văn hóa Thủ đô, tăng cường sức mạnh tổng hợp nội sinh của Quận, trở thành “quyền lực mềm” có vai trò không thể thay thế.

Thông qua phát triển các ngành CNVH từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật về văn hóa. Đẩy mạnh sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, phát triển CNVH; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa.

Đồng thời, phát huy mạnh mẽ vai trò, sự đóng góp và tham gia của mọi tổ chức, doanh nghiệp vào quá trình phát triển CNVH của quận, đặc biệt trong việc sáng tạo, bảo tồn và hưởng thụ các sản phẩm văn hóa. Từ đó, người dân sẽ được hưởng lợi từ quy hoạch mới, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên địa bàn quận Tây Hồ.

Làng nghề xôi Phú Thượng trong việc phát triển du lịch Tây Hồ
Làng nghề xôi truyền thống Phú Thượng

Sẽ là nghành mũi nhọn ở Tây Hồ.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng, Tây Hồ được ví như “Lá phổi xanh” của thành phố, với không gian thoáng rộng, phong cảnh đẹp và yên tĩnh; cùng 71 di tích lịch sử, trong đó có 42 di tích được xếp hạng, như đền Đồng Cổ, chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ,.. Ngoài ra, quận có nhiều làng nghề truyền thống như đào Nhật Tân, Phú Thượng, quất cảnh Tứ Liên, Quảng An, trà sen Quảng An, cá cảnh Yên Phụ, xôi Phú Thượng… đã xây dựng thành công thương hiệu.

Các hoạt động tại Không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ; Công viên nước Hồ Tây, các bể bơi: CLB Tây Hồ, Quảng Bá, khu văn hóa ẩm thực Sen Tây Hồ… hàng năm thu hút hàng nghìn lượt người dân trong nước và ngoài nước, đáp ứng phần nào nhu cầu vui chơi giải trí và ẩm thực cho du khách. Hệ thống các khách sạn tiêu chuẩn quốc tế như Thắng Lợi, Sheraton, Intercontinental…, cùng 13 cơ sở du lịch lữ hành và nhiều nhà hàng lớn nhỏ, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng du khách, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các hoạt động dịch vụ, du lịch.

Trong thời gian tới, quận Tây Hồ sẽ tập trung phối hợp với Sở Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội và các doanh nghiệp du lịch để xác định các tour, các điểm đến của du khách; phát triển du lịch tâm linh kết hợp với các làng nghề truyền thống.

Đồng thời, quận kêu gọi và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án đầu tư phát triển dịch vụ du lịch khu vực Hồ Tây, bãi giữa và hai bên khu vực sông Hồng, khu vực Nhật Tân – Nội Bài, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn quận chủ động trang trí, xây dựng, cải tạo cảnh quan trụ sở, nhà ở, nhà hàng, cửa hiệu, đường phố… tạo cảnh quan đặc sắc để khách du lịch tham quan, chụp ảnh lưu niệm; khai thác và phát triển tối đa các sản phẩm du lịch đặc trưng và du lịch “xanh” cho Tây Hồ.

Theo ông Hoàng, đồng hành với nỗ lực của chính quyền có các doanh nghiệp hoạt động du lịch và là mảnh ghép quan trọng tạo nên bức tranh khởi sắc về du lịch “xanh” trong những năm trở lại đây.

“Để có được những kết quả đáng khích lệ hơn nữa, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Thủ đô nói chung cần mở rộng mạng lưới kết nối, hợp tác chặt chẽ với nhau, xây dựng sản phẩm du lịch xanh đồng bộ, khép kín, thân thiện với môi trường. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng, phát triển các tour, sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch thể thao…”, ông Hoàng cho hay.

Thắng Tây Hồ

Tôi yêu Tây Hồ, đam mê Bất động sản, thích âm nhạc, cụ thể là rock, chụp hình, dựng phim, viết lách, kinh doanh. Lý tưởng sống của tôi là chia sẻ, thế nên tôi lập ra blog này để chia sẻ về những điều đó.