Lý tưởng sống của tôi là gì ?
Trong những ngày đầu của năm 2023 tôi đã dành thời gian suy ngẫm về nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ liên miên với những lần khởi nghiệp của mình, gần đây nhất là năm 2021, tôi đổ tội cho đại dịch. Nhưng đến khi thành thực với bản thân hơn thì tôi phải cảm ơn Covid vì chưa lấy đi những thứ thực sự có ý nghĩa của mình, đã cho tôi nhìn nhận lại mọi thứ, quan trọng hơn, nó giúp tôi đặt ra câu hỏi “tôi đang sống vì điều gì?”.
Không có Lý tưởng sống: Tôi đã từng lầm đường lạc lối.
Câu hỏi này chưa từng tồn tại trước đó, hoặc nếu có thì câu trả lời đã bị sai, vì dụ như “tôi sống để theo đuổi những đam mê, mục tiêu của mình” vậy “ theo đuổi đam mê, mục tiêu là để làm gì” – Để kiếm tiền, và kiếm tiền để làm gì – Để hưởng thụ, huênh hoang rằng mình hơn người, vì sợ người ta coi thường mình. Dù mình biết rằng vài đồng bạc chẳng thể hơn người, có nhiêu hay ít tiền không có nghĩa là có nhiều hay ít tư cách, tư cách mới là cái để người ta ngưỡng mộ chứ không phải tiền nhiều hay ít. Rõ ràng, dù biết là như thế, dù đã đọc về “Tham, Sân, Si” của nhà Phật nhưng tôi vẫn bị cuốn vào cái vô định đó. Tôi thấy mình cần một sự định hướng, cái mà như Phương nói, đó là một Lý tưởng sống.
Trong vô vàn những lý thuyết, khái niệm mà tôi tìm hiểu, cái nào cũng hợp lý, cũng ý nghĩa, tôi ý thức được rằng chỉ một lần chọn sai nữa là đời tôi coi như bỏ. Bắt đầu từ phương pháp, tôi chọn kiểu tư duy từ trong ra ngoài, kiểu mà tôi yêu thích.
Sự tử tế của mọi người đã mang tôi trở lại.
Tôi nghĩ về thời covid, cái gì làm tôi nhớ nhất, rất may, tôi chẳng nhớ gì về những đau thương, tôi chỉ nhớ về những sự chia sẻ, những quan tâm của bạn bè khi biết tôi đang khó khăn, vợ chồng thằng Sỹ hỏi tôi xem có cần gì không, dù nó tận trong Long Thành, dù hai đứa nó cũng khó khăn bỏ mẹ ra, Trang Hậu bảo anh cần gì gì cứ nói, không phải sĩ, thằng Thoan cũng hỏi, Trâu từ bên Nhật cũng điện về, nếu cần tiền thì bảo, nó chuyển về, rồi những đoàn hội, tổ chức hỗ trợ chục cân gạo, một ít đồ khô. Những điều làm tôi cảm thấy ấm lòng, cảm thấy may mắn, vì lúc khó khăn nhất, tôi vẫn không bị bỏ lại.
Tôi nhớ anh Tiến, chị Hường vẫn giúp mình tham gia bảo hiểm, dù lúc ấy mình đã chẳng còn làm ăn gì nữa.
Rồi cả Phương Anh, cô gái có khi đã bỏ ra vài tiếng/ngày chỉ để ngồi nghe tôi lải nhải về những thất bại, rắc rồi của mình ngày này qua ngày khác.
Tôi nhớ lại thời tham gia chương trình học bổng “Người bạn đồng hành”, để từ đó lần đầu tiên tôi có một người gọi là thầy, được gia đình hai bố con yêu quý, lần đầu tiên tôi thấy tự hào về bản thân, ừ nhỉ, hồi đấy tôi làm gì có đồng nào nhưng đó lại là một trong những khoảng thời gian ý nghĩa nhất của tôi. Tôi sẽ luôn biết ơn DRD, chị Hương, anh Cử, cô Yến không chỉ vì đã cho tôi cơ hội để hoàn thành chương trình học, cho tôi một khoảng thời gian ý nghĩa, đến bây giờ có thể là lớn hơn – cho tôi nhận ra Lý tưởng sống của tôi nên là gì.
Tôi nhớ anh Kiên đưa tôi mượn 7 triệu trả nợ dù anh biết chẳng biết đến bao giờ tôi mới trả được vì mới ở Sài Gòn ra, đang thất nghiệp.
Tôi nhớ khi mẹ tôi mất là ngay khi tôi nhập học, thằng Việt đã đứng lên hô hào cả lớp cùng chia sẻ với tôi, dù tôi và Việt gặp nhau cũng chỉ vài bữa, cũng chưa gọi là thân nhau.
Tôi nhớ hồi tôi vào Sài Gòn học, thời gian đầu chị Lê, anh Đãng đã nhường luôn phòng của Nhung cho tôi, cái mục tiêu vào trường Luật của tôi là bắt đầu từ đó.
Tôi nhớ những ngày chú Thiềm ở viện khi tôi mổ chân, những lần chú chăm bố tôi khi bố tôi nằm viện.
Tôi nhớ hồi bé tí tôi và Trâu đến trường trên chiếc xe đạp hàng ngày, trải qua hằng hà vô số chuyện, sau mấy chục năm, tôi có một thằng bạn thân chí cốt, tôi có thêm một nơi tôi coi như gia đình.
Tôi nhớ hồi cậu Thọ (là em trai của bà hai, mẹ tôi là bà thứ ba của bố tôi) còn sống, sang nhà cậu hay nói vui “hồi anh con nhỏ, anh phá của bà Muôn, ông Chư nhiều lắm đấy”, rồi cậu kể khi tôi ốm thì cả nhà chạy đi, chạy lại thế nào, bé quá tôi cũng không nhớ. Thỉnh thoảng chú Ninh, chú Tiến (em họ) vẫn hay nhắc lại về ngày xưa. Đó cũng là may mắn mắn của tôi khi được sinh ra trong một gia đình rất đặc biệt, để tôi mở rộng hơn ra khái niệm gia đình của mình.
Tôi nhớ hồi hai tuổi tôi chữa bệnh trên Hà Nội ở nhà chú Vũ, chú Thứ, nhớ món thịt rim, đậu nhồi thịt của thím Vũ ngon vô cùng mà cả đời sau này tôi sẽ không tìm ra ai có thể làm ngon hơn.
Và còn rất nhiều những chia sẻ khác tôi đã nhận được từ cuộc sống.
Tôi cũng đã từng là một con người chân thành và không vụ lợi, nhưng cũng rõ ràng một điều, từ khi tôi bắt đầu theo đuổi tiền tài, danh vọng thì tôi cũng bắt đầu “sòng phẳng” hơn trong các mối quan hệ mới theo tiêu chí “được/mất, hơn/thua”, tôi cũng trở nên khéo hơn, nuột hơn, văn vẻ hơn. Trong làm ăn, tôi cũng quan tâm khách hàng, tuân thủ nguyên tắc, cao thượng, dễ gần, dễ mến, hòa đồng, vui vẻ…những thứ mà tôi đọc được trong sách “đắc nhân tâm” hoặc “khéo ăn nói sẽ có cả thiên hạ”, tôi có mấy cái tính cách này tất nhiên là để được ưu ái, được quý mến hơn và tất nhiên là vì để hưởng lợi hơn.
Sự giác ngộ.
Có lẽ, tôi đã đánh mất bản thân mình, hoặc có thể đã bắt đầu một thứ mới mà không dựa trên một nền tảng giá trị nào cả, hoặc do nhận thức của tôi hạn chế, hoặc do những lợi ích trước mắt đã che đi những giá trị cốt lõi, nhưng rõ ràng, nhận thức về giá trị với tôi đã bị biến đổi theo thời gian, theo hoàn cảnh cụ thể (ở đây là cuộc sống kinh doanh) dù trong sâu thẳm chúng luôn còn nguyên ý nghĩa. Thế có nghĩa là, tôi sẽ lại xoáy theo những hướng khác trong một hoàn cảnh và thời điểm khác, lại vẫn sẽ là khi làm ăn thì tôi phải thể hiện thế nào để khách hàng quý mình, nhân viên nể mình, làm công thì làm sao để sếp ưu tiên mình, làm chồng thì phải thể hiện thế nào để vợ yêu mình, làm bố thì phải thế nào cho con nó nghe mình, tôi sẽ diễn các vai khác nhau để làm hài lòng các đổi tượng khác nhau và cái vòng này sẽ chỉ kết thúc khi tôi chết.
Tôi nhận ra, tôi cần nhất quán về một hệ giá trị cho tất cả, giúp tôi không bị biến đổi theo thời gian hay hoàn cảnh và nó phải là con người tôi, có ý nghĩa với tôi.
Ngày xưa tôi hiểu Nhân – Quả là gieo gì gặt nấy, không hành động thì làm gì có thành quả, thực ra hướng đến việc mình sẽ nhận được gì sau những nỗ lực. Còn bây giờ tôi nghĩ thêm Nhân – Quả còn là “nhận gì thì trả đó”, cuộc đời chia sẻ với tôi nhiều rồi, giờ là lúc tôi chia sẻ lại.
Tôi sẽ chọn sự chia sẻ là lý tưởng sống của mình, sự chia sẻ đã cùng tôi trưởng thành, nó là điều còn lại sau những hiểu nhầm trong gia đình, những thất bại, những vấp ngã, sự chia sẻ mới là thứ giúp tôi tự hào về bản thân, giúp tôi biết ơn cuộc sống, rằng tôi đến từ đâu, hướng về điều gì, tôi sống để làm gì ?
Cảm ơn gia đình nội ngoại, cảm ơn anh em, bạn bè, chiến hữu, cảm ơn cuộc đời vì đã chia sẻ để tôi vẫn ổn cho đến bây giờ, để tôi tìm lại được lý tưởng đúng đắn cho cuộc đời mình, để tôi vững tin rằng mình không bao lạc lối dù đối mặt với bất kì điều gì đi chăng nữa.