Giá Trị Của Một Con Người: Không Phải Tiền Bạc Hay Hôn Nhân
Tôi vừa có dịp ghé thăm người thân và, như dự đoán, những câu hỏi quen thuộc lại xuất hiện. “Sao hơn 40 tuổi chưa lấy vợ?”, “Làm gần 20 năm mà không có tiền?”, “Ở Hà Nội mà một năm kiếm được 80 triệu thì ở làm gì, cái gì, mục tiêu chỉ có 200tr năm nay thôi á, 200tr một năm thì ở làm gì?, “Ở quê không ai hương khói, lạnh lẽo có phải bất hạnh của gia tiên không? Người ta sẽ nghĩ sao về việc đó?”, “Học đại học mà không bằng đứa cháu ở quê, nó làm công nhân cũng kiếm 15tr/tháng rồi, “Tốt nhất là về quê lấy một đứa công nhân nào đó, ở đó đất đai ông bà để lại, canh tác mà sống cho khỏe”, “Hơn 40 tuổi không lấy vợ hàng xóm xung quanh sẽ nghĩ sao?”
Những câu hỏi ấy ừ thì coi như là đến từ sự quan tâm/sự khác biệt về mặt thế hệ nhưng nghe xong tôi chỉ muốn hét lên: “Hơn 40 tuổi rồi, bộ anh/chị nghĩ em không biết mình là ai à?” Tôi rõ mình đang ở hoàn cảnh nào? nhưng mấy câu này, nói thật, chẳng giải quyết được vấn đề gì, với tôi nó như đâm chọt, mỉa mai, một thứ ngụy biện để áp đặt tôi sống theo một cái chuẩn mực nào đó chứ không phải sứ mệnh mà tôi theo đuổi.
Dù sao thì, tôi nhìn nhận đây là một bài học và đây là 8 điều mà tôi đã rút ra từ câu chuyện trên:
1. Liêm Chính Với Bản Thân Là Đủ
Chia sẻ những áp lực với gia đình là điều tốt, nhưng không phải với ai cũng cần phải nói ra mọi điều. Sự trung thực không có nghĩa là phơi bày tất cả với xã hội, mà là hiểu rõ bản thân, tôn trọng sự thật.
Tôi chỉ cần hiểu mình đang ở đâu, cảm xúc thế nào, quyết định sao cho đúng là được.
2. Bảo Vệ Năng Lượng Tích Cực Của Mình
Khi tinh thần không tốt, tôi sẽ chọn tránh xa những nơi có thể làm hao tổn thêm năng lượng của mình. Năng lượng tích cực là tài sản quý giá nhất trong những lúc thất bại.
3. Không Hỏi Những Câu Vô Nghĩa
Câu hỏi kiểu “Sao không có tiền?”, “Sao chưa lấy vợ?” là câu hỏi vô nghĩa. Nếu một người chưa có thứ gì, lý do rất đơn giản, hoặc họ không muốn hoặc họ chưa thể có. Hỏi như vậy chẳng khác gì ám chỉ họ bất tài, trong khi ai cũng đang cố gắng theo cách của mình.
4. Đưa Ra Lời Khuyên Dựa Trên Sự Tôn Trọng
Nếu ai đó cần lời khuyên, tôi sẽ nói: “tôi có một ý này, bạn nghĩ sao?”, bây giờ tôi chắc chắn, những điều tôi cho là tốt đôi khi lại có thể làm tổn thương lòng tự trọng của người khác.
5. Gia Đình Có Chắc Là Nơi Tốt Nhất Để Chia Sẻ?
Thật buồn khi phải nói rằng áp lực phần lớn lại đến từ gia đình, chứ chưa hẳn là xã hội, thật đau khi vừa mở mồm thì người đầu tiên coi thường lại chính là người trong gia đình, thà mang khó khăn của mình lên mạng mà chia sẻ còn hơn, trên mạng chắc chắn sẽ có người cười vào mặt tôi nhưng ít ra còn có người đồng cảm, cho vài lời động viên hoặc cho xin giải pháp nào đó.
Nhưng không vì cái câu chuyện ấy mà tôi không còn niềm tin vào những giá trị thiên liêng của gia đình, nhờ tình yêu của bố, mẹ, họ hàng, anh/chị em mà tôi vẫn còn có thể ngồi đây mà gõ phím, vẫn có thể sống được với chính con người của mình.
6. Tôi Sẽ Tôn Trọng Vấn Đề Của Người Khác
Ai cũng có vấn đề riêng và có thể chỉ họ mới biết cách giải quyết, nếu một ngày họ có chia sẻ với tôi thì tôi tin rằng họ không chia sẻ để nhận lại sự phán xét hay bị áp đặt giải pháp từ tôi. Mà nếu họ có cần một giải pháp cũng không cần thiết phải nghe theo cái tư vấn của tôi, vì dù có thế nào tôi cũng không ở trong hoàn cảnh của họ, không có những năng lực, khả năng, tính cách như họ để mà đưa ra một phương pháp đúng với họ được.
7. Ước Mơ Của Mỗi Người Đều Có Ý Nghĩa
Có thể mục tiêu của ai đó nhỏ bé trong mắt người khác, nhưng với họ, đó là động lực sống, không ai có quyền chê bai hay xem thường hoài bão của người khác.
Tôi có tầm nhìn và sứ mệnh riêng của mình thì người khác cũng vậy. Nếu không thể cùng người ta bước đi, hỗ trợ được gì cho người ta thì tôi không nên làm tổn hại đến họ.
8. Tôi Sẽ Không Áp Đặt Con Cái Mình
Nếu sau này có gia đình, tôi sẽ không ép con cái học chỉ để kiếm tiền hay hơn thua với đời. Tôi muốn con hiểu rằng giá trị thật sự không nằm ở tiền bạc hay danh vọng, mà là ở tự do suy nghĩ, lựa chọn và sống đúng với bản thân.
Trách nhiệm của tôi là làm gương, khuyến khích tư duy độc lập, dạy con cái chịu trách nhiệm với lựa chọn, tạo không gian an toàn để nó có thể thất bại cũng như tôn trọng cá tính, sở thích của con cái, sẽ chỉ lắng nghe nhưng không bao giờ áp đặt, sẽ cung cấp cho con cái kiến thức và cơ hội, chứ không ép chúng nó phải đi theo một con đường cố định nào hết.
Cuối cùng, tôi nhận ra rằng, hạnh phúc không phải là đạt được những tiêu chuẩn xã hội áp đặt, mà là hiểu và sống đúng với con đường mình chọn. Và dù cho người khác có nói gì đi nữa, tôi vẫn sẽ bước tiếp trên con đường đó.