Tại sao cứ phải bi thương hoá hình ảnh Người khuyết tật?
Định kiến không hợp lý.
“Một số người vẫn nghĩ người khuyết tật (NKT) thì không thể làm gì cả. Họ phải sống dựa vào sự giúp đỡ của người thân hoặc xã hội. Có thể vì vậy, từ lâu hình ảnh người khuyết tật thường gắn với những hình ảnh người ăn xin, bán hàng rong, bán vé số… Và nếu là người khuyết tật thì dễ nhận lấy lòng thương xót của người khác hơn” – anh Nguyễn Văn Cử – Phó Giám đốc DRD Việt Nam chia sẻ trên PLO.
Tôi đọc câu này xong thì thấy hơi chạnh lòng vì thú thực, tôi chưa bao giờ buồn khi là một NKT, dù biết mình có hơi đen một chút khi đi tập tễnh, nhưng suy cho cùng, ai mà chưa từng bao giờ gặp vận xui chứ?.
Cơ mà đúng là với rất nhiều người, khi nhắc đến NKT thì sẽ luôn là những mảnh đời bất hạnh, là vượt lên nỗi đau hay có nghị lực phi thường? nghe thì có vẻ vô cùng hợp lý khi họ đã bị khiếm khuyết mất một phần cơ thể, nghĩa là gặp một chút khó khăn trong cuộc sống, nhưng đời này chả nhẽ, nếu không phải NKT thì không gặp khó khăn, nếu không phải NKT thì bạn sẽ không có nỗi đau và không cần nghị lực !.
Thực ra thì NKT chỉ gặp bất tiện liên quan đến khuyết tật của mình chứ không hề bất hạnh, cũng không hề đau đớn gì mà phải vượt qua nỗi đau, cũng phải bục mặt mưu sinh như bao người khác chứ chẳng có gì là phi thường cả. Ở đây, tất cả những nhận xét hay kết luận chỉ là dựa trên cảm xúc trước khi nhận thức rõ các dữ liệu hay thông tin xác thực liên quan, và với những đặc điểm trên, các quan điểm này được định nghĩa là những định kiến.
Nếu suy rộng hơn thì “định kiến” luôn tồn tại ở khắp nơi, cho mọi trường hợp chứ không chỉ dành riêng cho NKT, hãy xem những định kiến điển hình kiểu như; (1) Đàn ông phải chăm lo tài chính, phải giàu có, phải có địa vị xứng đáng thì mới đáng để phụ nữ dựa vào. Nhưng sự thật, phụ nữ không cần một người đàn ông để trở thành chỗ dựa tài chính. Phụ nữ hay đàn ông đều cần những người sẵn sàng cố gắng và nỗ lực vì hạnh phúc của nhau (2) Con gái thì phải sớm kiếm một tấm chồng để nương tựa, con trai phải tìm một công việc ổn định, ngồi bàn giấy, chỉ tay năm ngón. Đàn ông phải mặc com lê thay vì tạp dề. Như vậy mới đúng. Nhưng sự thật, dù phụ nữ đã đi qua tuổi 30, 40 hay chăng nữa, vẫn độc thân cũng không có gì là lạ. Họ không phải mẫu người xã hội mong chờ, nhưng với họ là trọn vẹn. Họ đang tìm kiếm một người phù hợp để chia sẻ chứ không dựa dẫm; quan tâm chứ không bao bọc; yêu thương chứ không giới hạn, trói chân nhau (3) Lập gia đình, sinh con đẻ cái là chuyện tất nhiên. Và bắt buộc phải vậy. Nhưng đến với nhau là để hạnh phúc, chứ không phải chỉ đẻ. Hãy nhớ rằng đừng đẻ con cho chồng, đừng đẻ con cho mình, hãy sinh con vì chính chúng.
Vậy, hãy thử thêm những định kiến đó vào NKT, chúng ta sẽ thấy, định kiến đã “siêu thực” hóa những vấn đề mà họ sẽ phải đối mặt. Ví dụ, một người đàn ông đã áp lực khi yêu hoặc lập gia đình rồi, nhưng làm một người đàn ông khuyết tật còn áp lực bội phần. Rồi thì một cô gái không khuyết tật sẽ nhận được hằng hà vô số những lời khuyên từ gia đình và xã hội rằng sẽ “dựa dẫm” được gì khi yêu một anh chàng khuyết tật !.
NKT vẫn phải đối mặt với những “hiểu lầm mang hơi hướng định kiến” hàng ngày, điều này là nguyên nhân cản trở NKT hoà nhập vào những hoạt động vô cùng bình thường của xã hội.

Truyền thông là một trong những lý do tạo ra định kiến.
Theo wikipedia, định kiến của một người có thể hình thành tiệm tiến từ môi trường giáo dục, môi trường sống, sinh hoạt, và quan hệ xã hội của người đó, nhưng còn một nguyên nhân nữa gây ra “hiểu lầm mang hơi hướng định kiến” này, đó chính là cách chúng ta truyền thông theo hướng bi thương hoá hình ảnh NKT (nói riêng và những người yếu thế nói chung), làm cho NKT trở nên đáng thương tội nghiệp để đánh vào “lòng thương” và kêu gọi sự giúp đỡ của xã hội. Chính điều này đã vô tình dán nhãn và làm cho xã hội tin rằng NKT là đáng thương tội nghiệp, đồng thời chính bản thân NKT lâu ngày cũng bị đóng đinh, bị truyền thông truyền cho niềm tin rằng chính mình là những mảnh đời bất hạnh.
Nếu những định kiến này vẫn tồn tại trong cách tư duy của chúng ta thì tôi tin rằng mãi mãi sẽ chẳng có gì thay đổi cả, các công ty sẽ chẳng bao giờ để ý đến ứng viên khuyết tật do họ đã mặc định đây là gánh nặng, các tòa nhà vẫn chẳng bao giờ có lối đi dành cho xe lăn, các khu vui chơi sẽ không bao giờ có nhà vệ sinh tiếp cận vì chủ đầu tư mặc định NKT thì chỉ ở nhà, các ông bố bà mẹ sẽ ngăn cản tuyệt đối con gái họ yêu và cưới NKT vì chẳng có gì “để dựa dẫm”. Khi cả thế giới sống với định kiến, rõ ràng vô hình chung, chúng ta đã tạo ra một sự bất bình đẳng (thậm chí phân biệt đối xử mang tính thành kiến) quá lớn giữa những NKT và những người không khuyết tật.
Tất cả chúng ta đều có những vấn đề riêng của bản thân, thậm chí là bi thương đau khổ và vẫn cần được yêu thương, chăm sóc, NKT cũng thế, vậy nên chẳng có gì phải mặc định chỉ NKT mới bi thương và cần được thương hại cả.
Hãy bình thường hoá hình ảnh NKT trong mắt cộng đồng để Chúng tôi và Chúng ta đều như nhau, đều phải cố gắng học tập, lao động, đều phải nỗ lực vươn lên. Có điều Chúng tôi đang phải đối mặt với rào cản đến từ phía Chúng ta nên Chúng tôi cần nhất đó là được bình đẳng (được trao niềm tin) trong việc tiếp cận việc làm, giáo dục, học nghề, chăm sóc sức khoẻ và các dịch vụ xã hội khác…