Bố – Người Đàn Ông Của Cả Một Đời Tôi Học Theo
Với con cái, bố mẹ luôn là điều tuyệt vời nhất. Và con cũng vậy. Trải qua bao nhiêu chuyện, con nhận ra rằng có hai điều quan trọng nhất mà những bậc cha mẹ nên trao cho con cái mình: làm gương và đặt niềm tin vào con. Con đã có nhiều hơn cả hai điều đó từ bố, và con tự hào vì là con trai của bố.
Bố Đặt Niềm Tin Vào Con Và Cố Gắng Để Con Cũng Có Niềm Tin
Ba tháng sau khi sinh ra, con bị bại liệt. Từ khoảnh khắc đó, con đã trở thành “đặc biệt” theo một cách không ai mong muốn trong ngôi làng nơi con lớn lên. Nhưng bố chưa từng nhìn con như một “kẻ yếu thế”, bố chỉ nhìn con như con trai của bố – một thằng bé có thể làm bất cứ điều gì nếu nó thực sự muốn.
Con trai bố cũng chẳng phải là đứa con ngoan ngoãn trong mắt người lớn. Con nghịch ngợm, quậy phá, luôn bày ra những trò mà người ta gọi là “không tốt”. Hồi đi học, có lẽ bố mẹ là những phụ huynh được thầy cô “mời lên gặp” nhiều nhất. Nhưng bố vẫn kiên nhẫn với con. Bố chưa từng nói với con rằng con kém cỏi, chưa từng nghi ngờ rằng con có thể đi xa hơn những gì người ta nghĩ.
Đến tận bây giờ, khi đã trải nghiệm nhiều hơn, con mới thấm thía và biết ơn niềm tin mà bố đặt vào con. Vì niềm tin – khác với sự tin tưởng – không cần một chỉ số hay bằng chứng nào để chứng minh rằng điều mình hy vọng sẽ thành hiện thực.
Cấp ba, con bị thầy giáo xếp vào nhóm “học sinh không có tương lai”. Người ta nhìn con với ánh mắt nghi ngờ, nhưng bố thì không. Đến khi con đi thi Đại học, bố chỉ nhẹ nhàng nói:
“Thi cho biết thôi.”
Và tất nhiên, con trượt thật. Nhưng trong căn phòng thi đầy những gương mặt căng thẳng ngày hôm đó, con lại là đứa bình tĩnh nhất.
Bố Đã Dạy Con Cách Để Đứng Lên Sau Những Lần Ngã
Con cũng đi làm, cũng tự kinh doanh, cũng vấp ngã không biết bao nhiêu lần. Đã từng có những giai đoạn, gần chục năm đi làm mà trong tài khoản không có nổi 100 triệu. Khi bạn nói quá nhiều về những dự án, những hoài bão, nhưng thất bại vẫn nối tiếp thất bại, chẳng ai tin bạn nữa. Dù có thật đến mấy, trong mắt người khác, bạn vẫn chỉ là một kẻ nói khoác mà thôi.
Nhưng lần gần đây nhất, khi con tưởng chừng như chẳng còn ai tin mình nữa, bố vẫn ở đó, chìa bàn tay ra, để con nắm lấy. Bố lại một lần nữa đặt niềm tin vào con trai mình.
Con nhớ ngày con bị mẹ mắng vì học hành bê bết, bố đã không trách móc, chỉ lặng lẽ nói một câu:
“Học hành sao cũng được, nhưng hy vọng là mày sẽ hiểu, thất bại lớn nhất của một thằng đàn ông chính là ngày nào đó có người nói rằng họ đã sai khi tin mày.”
Câu nói ấy, mãi đến sau này con mới thực sự thấm.
Bố Chưa Bao Giờ Dạy Con Bằng Lời, Bố Dạy Con Bằng Cả Cuộc Đời Mình
Ngày bé, con không hiểu bố đã vất vả thế nào để nuôi dạy con, em gái và các chị. Sau này, khi mẹ mất, con mới càng thấy thương bố hơn.
Bố đã có ba người vợ, nhưng đều mất khi con cái chỉ mới 13-15 tuổi. Một mình bố gánh vác tất cả. Kinh tế khó khăn, nhưng bố chưa bao giờ để con cái phải bỏ học. Ngày đó, để nuôi gia đình, bố làm tất cả mọi việc – từ đi làm nhà máy, đến gánh phân đi bán cách nhà hàng chục cây số. Những năm 70, bố đã cố gắng để chị con được đi học Đại học và có xe đạp – một điều không phải ông bố nào cũng làm được, nhất là khi một mình phải lo cho bốn đứa con gái.
Khi cưới mẹ, dù đã nghỉ hưu, bố vẫn vật lộn buôn bán Bắc – Nam để lo cho gia đình. Chữa bệnh cho con tốn kém bao nhiêu, bố mẹ vẫn không nản lòng. Đến tận bây giờ, khi nghĩ lại, con mới hiểu bố mẹ đã vất vả thế nào vì con. Nhưng bố chưa bao giờ kể về những điều ấy, chưa bao giờ than thở. Con chỉ biết được qua lời kể của những người xung quanh.
Bố uống rượu hàng ngày, nhưng chưa bao giờ say xỉn. Bố đánh bài làm vui, nhưng chưa bao giờ để chuyện đó ảnh hưởng đến gia đình. Bố chưa bao giờ lớn tiếng với mẹ. Và con tin rằng, dù có bao nhiêu khó khăn, mẹ chưa từng hối hận khi chọn bố là người đi cùng bà suốt cuộc đời.
Bố Dạy Con Về Trách Nhiệm Của Một Người Đàn Ông
Ngày con quyết định nghỉ Đại học để đi làm, bố đã nói một câu mà con không bao giờ quên:
“Mày làm gì thì làm, nhưng mày là đàn ông. Không sớm thì muộn, mày sẽ phải gánh vác trách nhiệm là trụ cột gia đình. Nếu chối bỏ điều đó, thì mày không cần suy nghĩ nữa.”
Bố luôn tiết kiệm, nhưng con biết rõ lý do. Vậy mà có lần bạn con từ Nam ra chơi, bố đưa cho con 2 triệu bảo “cầm lấy mà tiêu”, dù chắc chắn lúc ấy bố không có nhiều tiền.
Bố chưa bao giờ nhận xét hay cấm đoán bạn bè con. Nhưng mỗi lần con về thăm, bố luôn hỏi:
“Chúng nó dạo này sống tốt không?”
Bố hỏi rất kỹ về Thành và Quyết – hai thằng bạn thân nhất của con. Nếu con xuống Đồng Nai, bố biết con sẽ đi đâu.
Bố Không Ép Con Thành Người Như Thế Nào, Nhưng Bố Khiến Con Hiểu Mình Cần Phải Làm Người Ra Sao
Bố không bao giờ bắt con phải trở thành ai đó, không ép con sống theo khuôn khổ nào. Nhưng bố đã dành cả cuộc đời mình để cho con thấy mình nên trở thành người thế nào.
Có thể, trong mắt người khác, bố không hoàn hảo. Nhưng trong mắt con, bố là hình mẫu duy nhất mà con muốn hướng đến – một người đàn ông đích thực, một người biết rõ trách nhiệm của mình và không bao giờ trốn tránh, một người luôn đặt niềm tin vào điều tốt đẹp, dù tất cả các chỉ số đều chống lại niềm tin ấy.
Bố, có thể sau này con chẳng có gì vẻ vang. Nhưng con chắc chắn sẽ luôn tin vào bản thân và tin rằng những điều tử tế sẽ làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Và nếu một ngày nào đó bố gặp lại mẹ, con mong rằng bố có thể nói với mẹ rằng:
“Chúng ta đã có một thằng con trai luôn cố gắng hết sức để làm người tốt.”