Cá nhân

Cảm ơn Covid đã giúp tôi nhận ra mình là ai rõ hơn

Tôi từng nghĩ mình đã mất tất cả vì đại dịch Covid, 40 tuổi đầu và tôi không có gì trong tay, mỗi khi nghĩ về tương lai, tôi chỉ thấy mờ mịt và vô định, Covid nó không chỉ lấy đi tiền, nó dường như còn lấy luôn đi sự tự tin trong con người tôi, lần này không giống như những lần khởi nghiệp trước, tôi sẽ làm gì khi đã tiêu hết 1/2 cuộc đời, có khi là 2/3 cuộc đời, tôi thấy sợ.

Đổ lỗi chẳng để làm gì !

Rồi từ sợ, tôi trở nên oán hận vì cuộc đời quấ bất công với tôi, tại sao năm lần bảy lượt cứ cho tôi trồi lên tí rồi lại đạp tôi thê thảm, có lần tôi đã than với anh Cử “đời có hơn 8 tỉ thằng, sao ông trời cứ phải nhè thằng què ra thử thách vậy”. Ổng chỉ cười ha ha chẳng nói gì, chắc ổng nghĩ – cỡ như chú còn phải trùng sinh nhiều.

Oán hận chẳng giải quyết được gì tôi đâm ra chán nản, trong suốt những ngày sau đó tôi chẳng thiết nghĩ đến cái gì, không biết mình cần gì, muốn gì, tôi cứ vật vờ vậy, ngày ăn ba bữa, chán lại đi nhậu, ngày nào cũng như ngày nào. Bên ngoài thì tỏ ra vẫn ổn, nhưng bên trong đã là một thằng mất hết ý chí, vật vờ, không còn tí tin tưởng gì vào bản thân nữa.

Tôi cũng không quan tâm vì sao mình lại thành ra thế này, vì với tôi, lỗi là do Covid tất.

Đời tôi cứ vật vờ như thế đến tết 2023 khi tôi gọi điện chúc tết Phương – thằng bạn thời đại học, thằng suốt ngày rao giảng đạo đức lên Facebook, cái thời “huy hoàng” của tôi, dăm ba cái status triết lý của nó với tôi hài hước lắm, vợ con rồi, tiền không lo mà kiếm, còn định lên mạng dậy đạo đức học, nên tôi hay mỉa mai bằng các comment chỉ với 1 câu duy nhất “rất nhân văn”. Cũng may là nó không thèm chấp chứ không anh em lại không nhìn mặt nhau.

Như tất cả những thằng làm ăn khác, câu chuyện của chúng tôi cũng xoay quanh chủ đề kinh doanh và bất chợt Phương nói đến mối liên hệ giữa “lý tưởng sống và chuyện kinh doanh”, rằng chúng ta đang xây dựng một mô hình/một con người mà chẳng dựa trên một hệ giá trị nào cả, chúng ta tưởng biết mình sống vì cái gì, nhưng thực ra chẳng biết mình sống vì điều gì, chúng ta bị nhầm lẫn giữa ham muốn, những tham vọng với giá trị sống.

Tôi ghi lại những ý chính, bắt đầu chia sẻ các quan điểm, phân tích việc lý tưởng sống tác động đến kinh doanh/con người tôi ngày trước như thế nào và nhận ra tầm quan trọng của cuộc nói chuyện này.

Chúng ta nên nhận trách nhiệm.

Những ngày sau đó, tôi tạm dừng mọi việc để nghiên cứu ba từ khóa (1) Lý tưởng sống (2) Covid và (3) sự thất bại của tôi.

Kết quả là sự thất bại của tôi nó chẳng liên quan gì đến đến covid cả, cái mà tôi xây nên sẽ đổ bởi vì nó có dựa trên nền tảng nào đâu, nó càng lớn, càng nặng, càng nhanh đổ, đây là câu trả lời cho thắc mắc, tại sao cứ lên đến một mức nào đó, tôi lại thất bại. Tôi từng nghĩ, những phương tiện, những kiến thức, những mẹo kinh doanh, marketing, những kỹ thuật, những cách ứng phó của mình là ghê gớm lắm, nhưng thực ra, chúng chỉ như vôi ve, nội thất làm cho ngôi nhà nhìn màu mè và đẹp mắt hơn mà thôi, chồng thêm tầng là nó đổ cái rầm. Quan trọng hơn, nó chẳng làm cho tôi khác biệt, như tất cả những ông kinh doanh lấy lợi nhuận kinh tế làm giá trị cốt lõi thì tôi hay anh A, chị B cũng như nhau thôi.

Vậy tiền của tôi thì sao ? À, thực ra thì việc mất tiền của tôi là tất yếu, lý do chỉ có một chứ chẳng có cô vít, cô veo hay một lý do trời ơi nào do tôi nghĩ ra cả – vì tôi không xứng đáng có những thứ vừa mất đi. Xứng đáng sao được khi tôi không có khả năng quản trị rủi ro, lường trước vấn đề sẽ xảy ra để có những ứng phó phù hợp, xứng đáng sao được khi hiểu thế nào là đầu tư nhưng lại vác vốn lưu động đi lướt phái sinh, khi tin vào những thứ hoàn toàn mơ hồ, xứng đáng thế nào được khi những dự án tôi coi như đứa con tinh thần của tôi nhưng tôi lại chẳng đưa tí tinh thần nào vào đấy cả, cũng đúng thôi, tôi còn nghĩ mình làm bất động sản để kiếm tiền thì làm sao cho nó cái gọi là tinh thần hay giá trị cốt lõi chứ !

Tôi thất bại là do nội lực của tôi chưa đủ để trở nên lớn hơn, tầm tôi nó chỉ đến thế thì tôi nhận thế, nhưng tôi cũng rất may mắn, nếu không có biến cố này thì tôi sẽ không biết mình là ai, lý tưởng của tôi là gì, mình thiếu gì, cái gì làm mình thất bại, mình sẽ sống vì điều gì tiếp theo, giá trị mình sẽ mang đến cho cuộc đời là gì, bây giờ mình sẽ theo đuổi những đam mê, sở thích là vì điều gì, những mối quan hệ của mình sẽ dựa trên cái gì và vì cái gì…

Thực ra thì tôi đã rất may mắn.

Thế ra ở đây không có may/rủi nào cả ? Đúng nhưng chưa đủ, Tôi thấy mình rất may mắn, tôi may mắn vì khi trắng tay tôi vẫn còn có những người bạn như Phương, Trâu, Hậu, Thoan, Sỹ vẫn ở đó và sẵn sàng chia sẻ dù họ cũng chưa khá giả gì, tôi luôn biết ơn điều đó.

Tôi may mắn khi đại dịch qua đi tôi vẫn mạnh khỏe, chưa mất một người thân, bạn bè nào, mấy đồng bạc kia sao mà so sánh với những đứa trẻ bơ vơ từ nay sẽ phải một mình trưởng thành, một mình định hướng, hay những người hôm qua vừa vui mừng khi biết mình sẽ làm cha, hôm nay đã mất luôn cả vợ và bố mẹ, cầu mong cho họ có thể bước tiếp, chứ nếu là mình thì mình phát điên rồi.

Tôi còn cảm thấy thật may mắn khi rơi vào cái hoàn cảnh này lúc chưa lập gia đình vì:

Tôi sẽ chọn sống chung với ai suốt quãng đời còn lại, người đó là người thế nào ? Tôi sẽ sẽ cưới một người chỉ vì tôi đã có tuổi hay vì cô ấy chịu lấy tôi. Cô ấy ra sao ? Tôi có thể xây dựng GĐ với một người không cùng lý tưởng với mình không ? Liệu cô ấy có chấp nhận không ?. Đây là những câu hỏi mà trước giờ tôi chưa từng nghĩ đến, cũng dễ hiểu thôi khi tôi còn không biết tôi là ai, giá trị cốt lõi của mình là gì thì làm sao tôi biết ai sẽ là người phù hợp với mình.

Vợ con tôi sẽ thế nào khi tôi phá sản, thậm chí mang tiền dành dụm của hai vợ chồng đi trả nợ, với tư cách là một thằng đàn ông, một người có sĩ diện và tự trọng, chắc chắn tôi sẽ còn đau lòng hơn “đàn ông khổ không phải là một cái tội, nhưng để vợ con khổ là có tội”.

Rồi tôi sẽ nuôi dậy con cái mình như thế nào, cho nó đi học những trường tốt nhất với hy vọng sau này có ưu thế vượt trội ngoài xã hội, trau dồi cho nó những kỹ năng giao tiếp, các phương pháp tạo ảnh hưởng, những giải pháp mì ăn liền để thành ông nọ bà kia, vun vén nhiều nhất có thể về cho bản thân, còn tôi thì coi con cái như một thứ để mang ra khoe, để ghanh đua với thiên hạ, để huyễn hoặc bản thân tài giỏi và hơn người.

Lúc trẻ khoe thân, già thì tôi khoe con, để đến trước khi nhắm mắt tôi sẽ phải trăn trối với chúng nó ‘đừng sống một cuộc đời vô nghĩa như bố”, hoặc thậm tệ hơn, tôi còn lừa dối mình tới chết và không dám thừa nhận rằng “mình đã không biết mình đã từng sống vì điều gì, mình đã để lại được cho chúng nó di sản giá trị gì”, chúng nó lại tiếp tục vật vờ theo đuổi tiền tài, danh vọng, coi đó là lý tưởng sống, là đích đến cuối cùng của một cuộc đời thịnh vượng, y chang những gì thằng bố chúng nó từng theo đuổi.

Cảm ơn Covid vì đã không lấy đi những điều mà tôi không thể lấy lại được, cảm ơn vì đã đến sau khi tôi có những khoảnh khắc cuối cùng bên bố, tôi vẫn có thể dự dám tang của ông, vẫn được nhìn ông lần cuối. Cảm ơn Covid vì đã lấy lại những thứ tôi không xứng đáng có, giúp tôi nhận ra cái mà tôi thực sự thiếu là gì, tìm thấy lẽ sống của mình là gì, rằng từ bây giờ tôi sẽ tiếp tục sống vì điều gì?