Thông tin dự thảo quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

Dự thảo Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, sau đó xin ý kiến Bộ Xây dựng trước khi trình UBND TP. Hà Nội, quy hoạch này trải dài 40km, từ cầu Hồng Hà, huyện Đan Phượng đến cầu Mễ Sở, huyện Thường Tín.

Theo bà Nguyễn Lan Hương – phó giám đốc trung tâm Quy hoạch kiến trúc “Hà Nội đang quay lưng vào sông Hồng, tất cả rác thải đều đẩy ra phía bờ sông, định hướng chung của quy hoạch đô thị sông Hồng thời gian tới là xây dựng thành phố quay mặt vào dòng sông, hướng dân cư đô thị về phía dòng sông. Theo đó, đô thị sông Hồng được định hướng phát triển thành trục cảnh quan trung tâm đô thị, kết nối giá trị lịch sử, văn hóa với không gian đô thị hiện đại.

Quy hoạch sẽ ưu tiên quỹ đất dọc hai bên sông cho mục đích tái định cư dân sinh sống trong phạm vi lập quy hoạch. Một số bãi sông sẽ được nghiên cứu quy hoạch tái thiết đô thị, xây dựng nhà ở tái định cư, công trình công cộng, phục vụ dân cư tại chỗ và khu vực nội đô.

Các bãi sông còn lại sẽ phát triển không gian mở tùy theo địa hình, phát triển mô hình nông nghiệp sạch, chất lượng cao phục vụ phát triển du lịch ven sông, bà Hương nhấn mạnh.

Theo dự thảo quy hoạch, TP. Hà Nội sẽ xây dựng 10 cây cầu để kết nối hai bờ sông Hồng, xây dựng hai tuyến đường ven sông, tạo thành hai trục giao thông song song, quy mô mỗi tuyến từ 6-8 làn xe để cải tạo không gian đô thị ven sông.”

Trong bài viết dưới đây, Thắng Tây Hồ sẽ gửi đến bạn những thông tin và bản đồ quy hoạch sông Hồng mà  tôi thu thập được.

Phạm vi nghiên cứu quy hoạch sông Hồng

Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở có diện tích nghiên cứu khoảng 11.000ha (khoảng 40km dọc hai bên sông Hồng) thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc địa bàn 13 quận, huyện: Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Đan Phượng.

Đây sẽ là trục không gian đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm với các chứcnăng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa, dịch vụ, du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô; hình thành trục không gian văn hóa – cảnh quan sinh thái Hồ Tây – Cổ Loa; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới, tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng…Về hiện trạng sử dụng đất, trong tổng diện tích khoảng 11.000ha (trong đó, sông Hồng có diện tích 3.600ha), thì đất bãi sông có diện tích khoảng 5.480ha với đa dạng về loại hình: Trồng rau, hoa màu, hoa, cây cảnh, đất trống chưa sử dụng. Phần còn lại làkhu vực đã xây dựng gồm các khu vực làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu như các xã: Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt…; các khu phố nằm ngoài đê như khu dân cư các phường Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá… với diện tích khoảng 1.190ha và đất các công trình xã hội: Công cộng, trường học, công trình hạ tầng kỹ thuật, công nghiệp (kho bãi, bến cảng…).

Thông tin về dự thảo đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng
Thông tin về dự thảo đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

Mục tiêu quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng

Tổng quan quy hoạch phân khu sông Hồng
Tổng quan quy hoạch phân khu sông Hồng

Đồ án quy hoạch phân khu đo thị sông Hồng được đặt những mục tiêu:

Cụ thể hóa các định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt.

Cùng với các loại hình quy hoạch: phòng chống lũ,đê điều, đất đai… góp phần cấu thành và hiện thực hóa quy hoạch cơ bản phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội (theo địa giới hành chính mới mở rộng), đồng thời phù hợp đồng bộ quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật Thành phố.

Đảm bảo an toàn tuyệt đối về lũ sông Hồng cho đoạn tuyến kết hợp cải tạo phù hợp với Luật Đê điều, để đảm bảo giao thông đường thủy, ổn định dòng chảy chống ngập lụt cho khu vực trên cơ sở ổn định hệ thống đê theo tiêu chuẩn đặc biệt.

Chỉnh trị ven sông, quy hoạch xây dựng hai bên sông theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô là tạo lập hành lang xanh sông Hồng và theo hướng kế thừa truyền thống văn hóa – lịch sử của Thủ đô. Phát huy được các yếu tố thuận lợi khai thác các tiềm năng về điều kiện tự nhiên của khu vực, tạo được nét đặc trưng riêng với hệ thống công viên – cây xanh, đường ven sông, các trung tâm công cộng, dịch vụ du lịch văn hóa, giải trí, thể dục thể thao, các khu đô thị ven sông với môi trường thân thiện thiên nhiên, gắn kết với các dịch vụ hạ tầng hiện đại theo mô hình đa chức năng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội; góp phần cải tạo hoàn chỉnh lại khu vực dân cư hiện có 2 bên sông Hồng, tạo điều kiện cư trú tốt – an toàn.

Làm cơ sở pháp lý để triển khai tổ chức lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, xây dựng quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam và Tiêu chuẩn thiết kế chuyên ngành; Đề xuất các chương trình đầu tư và dự án chiến lược, dự án đầu tư xây dựng và kiểm soát phát triển, quản lý theo quy hoạch.

Các yêu cầu và nguyên tắc cơ bản của quy hoạch

1. Các yêu cầu về nội dung chính cần phải nghiên cứu:

a. Phân tích đánh giá nhận dạng đặc điểm tự nhiên (đặc biệt quy hoạch về thủy lợi, thủy văn, khả năng tiêu thoát lũ…), hiện trạng theo phương pháp SWOT (thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức), trên cơ sở số liệu thống kê tổng hợp và các số liệu thu thập về: dân cư; sử dụng đất (xác định bởi đường phân khu vực); hạ tầng xã hội; kiến trúc cảnh quan; hạ tầng kỹ thuật và các quy định của Quy hoạch chung có liên quan đến khu vực quy hoạch và các đồ án, dự án xây dựng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

b. Đối với quy hoạch sử dụng đất phân khu đô thị sông Hồng

Về tổng mặt bằng sử dụng đất, xác định các nguyên tắc của khu vực: Về quản lý sử dụng bãi sông và các khu vực dân cư; về quy hoạch sử dụng đất, khai thác quỹ đất bãi (từ Đê đến mép sông Hồng), ứng xử các loại đất trong và ngoài không gian thoát lũ; về di dân, giãn dân, tái định cư,… trên toàn tuyến. Sơ bộ xác định diện tích và các chức năng tại 08 khu vực bãi sông.

Xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật cho phân khu đô thị: quy mô dân số; diện tích và tiêu chuẩn đối với các chức năng sử dụng đất; chỉ tiêu sử dụng đất, các chỉ tiêu khống chế về mật độ xây dựng, tầng cao tối thiểu, tối đa cho phân khu đô thị Xác định vị trí, quy mô các công trình ngầm (nếu có).

Đề xuất các giải pháp trên nguyên tắc: ưu tiên quỹ đất khai thác dọc hai bên sông cho mục đích tái định cư tại chỗ và các công trình công cộng phục vụ đô thị, hạn chế tăng thêm dân vào quỹ đất 2 bên sông.

Quản lý sử dụng bãi sông theo quyết định 257/QĐ-TTG
Quản lý sử dụng bãi sông theo quyết định 257/QĐ-TTG

c. Đối với quy hoạch không gian phân khu đô thị sông Hồng:

Về quy hoạch hạ tầng kỹ thuật; tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan: Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) đã xác định các nguyên tắc của khu vực đặc thù sông Hồng:

Hạ tầng kỹ thuật, giao thông (ngầm, nổi, cầu vượt,…), chuẩn bị kỹ thuật, thông tin liên lạc, thoát nước thải, chất thải rắn và nghĩa trang; các bến, bãi đỗ xe,…(đặc biệt chú trọng kết nối với khu vực 04 quận nội đô – phố cổ – phố cũ),…

Không gian kiến trúc cảnh quan; kết nối trục không gian cảnh quan Hồ Tây – Cổ Loa, trục hướng tâm và cửa ngõ ra vào Trung tâm Thành phố, kiến tạo không gian kiến trúc cảnh quan dọc hai bên sông Hồng tại đoạn tuyến quy hoạch và đặt trong mối quan hệ toàn tuyến qua Thủ đô về phát triển và bảo tồn… với các ý tưởng chủ đạo.

Xác định nguyên tắc, yêu cầu và tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đối với từng khu chức năng, trục đường chính, khu vực không gian mở, khu vực điểm nhấn, các khu vực trọng tâm, khu trung tâm

Cần nghiên cứu tổng thể về tổ chức không gian trên toàn tuyến sông, mối liên hệ với khu vực đô thị 2 bên sông nhằm tạo lập và xây dựng hình ảnh đô thị đối với khu vực phía Bắc và phía Nam sông Hồng

Thiết lập trục không gian cảnh quan sông Hồng gắn với trục Hồ Tây

d. Hồ Tây – Cổ Loa tạo thành trọng tâm bố cục.

Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng không chỉ có sức hấp dẫn, mà đây còn là Đồ án có tính “lịch sử”, bởi vì, trong 7 lần lập quy hoạch chung Hà Nội trước đây, không gian sông Hồng chỉ được xác định là không gian cảnh quan vùng biên nội đô, còn bây giờ, không gian sông Hồng đã được xác quyết là trục không gian cảnh quan trung tâm của Hà Nội, gắn với trục Hồ Tây – Cổ Loa tạo thành trọng tâm bố cục không gian cho đô thị trung tâm. Và với vị thế ấy, sông Hồng sẽ có vai trò quan trọng tác động đến sự hình thành và phát triển không gian đô thị ở hai bên bờ sông của thành phố này.

e. Xác định nguyên tắc, yêu cầu và tổ chức hệ thống hạ tầng kỹ thuật, gồm:

Tuyến thoát lũ và đê điều: Tuân thủ Quyết định 959/QĐ-UBND ngày 28/2/2011 của UBND Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt chi tiết chỉ giới thoát lũ trên tuyến sông Đà, sông Hồng, sông Đuống; Đề xuất phương án cải tạo để đảm bảo an toàn tuyệt đối về lũ sông Hồng cho đoạn tuyến, kết hợp cải tạo để đảm bảo giao thông đường thủy phù hợp với Quyết định số 92/2007/QĐ-TTg ngày 21/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Đề xuất xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống đê hiện có; thiết lập mới một số đoạn đê theo tiêu chuẩn đặc biệt để ổn định dòng chảy, chống ngập lụt Xác định các khu vực tiêu thoát lũ, ngập lụt theo chu kỳ, từ đó đề xuất các giải pháp quy hoạch hợp lý, khả thi đối với các khu vực dân cư hiện hữu nằm trong khu vực hành lang thoát lũ.

Giao thông: Xác định mạng lưới giao thông, cảng sông, mặt cắt ngang đường; chỉ giới đường đỏ, quy định chỉ giới xây dựng hành lang thoát lũ, hành lang bảo vệ các công trình HTKT (tuyến điện cao thế, đê, kè, đập, công trình thủy lợi, cầu, đường ) Cụ thể hóa quy hoạch chung về vị trí, quy mô cầu, hầm qua sông, bến, bãi đỗ xe (trên cao, mặt đất); tuyến điện tàu điện ngầm; hệ thống cảng trên sông.

Chuẩn bị kỹ thuật và thoát nước mưa: Lựa chọn và xác định cao độ xây dựng phù hợp với quy hoạch chung; quy hoạch hệ thống mạng lưới các công trình thoát nước cho khu vực cũng như của Thành phố; đề xuất các giải pháp chuẩn bị kỹ thuật đối với các phương án lũ của sông Hồng và của biến đổi khí hậu; tính toán khối lượng đào đắp sơ bộ; vị trí, quy mô các công trình đê, kè (nếu có).

Cấp nước: Xác định nhu cầu dùng nước và nguồn cấp nước; vị trí, quy mô, mạng lưới đường ống cấp nước và các thông số kỹ thuật.

Thoát nước thải và vệ sinh môi trường: Xác định tổng lượng nước thải và rác thải; mạng lưới thoát nước; vị trí, quy mô các công trình xử lý nước thải, chất thải rắn (nếu có). Đề xuất các giải pháp thoát nước thải phù hợp với từng khu vực.

Cấp điện: Xác định nhu cầu sử dụng và nguồn cung cấp năng lượng; vị trí, quy mô các trạm điện phân phối; mạng lưới đường dây trung thế, nguyên tắc thiết kế hệ thống chiếu sáng đô thị.

Thông tin liên lạc: Xác định nhu cầu và mạng lưới.

f. Xác định chương trình đầu tư ưu tiên, dự án chiến lược.

g. Đánh giá tác động môi trường chiến lược:

Xác định các vấn đề môi trường chính: chất lượng không khí, tiếng ồn, đất, nước, cây xanh, nước ngầm, vệ sinh môi trường, điều kiện xã hội của khu vực

Đánh giá diễn biến môi trường khu vực, dự báo, so sánh các tác động môi trường của các phương án quy hoạch trên cơ sở mật độ xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, bố trí các khu chức năng.

Tổng hợp, xếp thứ tự ưu tiên các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu, cải thiện các vấn đề môi trường trong đồ án quy hoạch, đề xuất các khoảng cách ly bảo vệ môi trường cho các khu chức năng, các khu vực cấm xây dựng. Giải pháp đảm bảo an toàn cho dân cư, các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật trong trường hợp có lũ.

2. Các yêu cầu về nội dung dự thảo quy định quản lý theo đồ án quy hoạch phân khu:

Quy định chung: Xác định đối tượng áp dụng, phân công quản lý thực hiện; ranh giới, quy mô diện tích, tính chất, dân số khu vực lập quy hoạch; quy định chung về hạ tầng xã hội (các đơn vị ở; nhóm nhà ở; trung tâm hành chính, công cộng; y tế; giáo dục đào tạo; TDTT; thương mại dịch vụ; công viên cây xanh…); các quy định chủ yếu về kết nối giữa hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu vực với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của đô thị.

Quy định cụ thể: Ranh giới, quy mô diện tích, quy định về mật độ dân cư, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị, nguyên tắc kiểm soát phát triển, quản lý về không gian, kiến trúc; yêu cầu hạ tầng kỹ thuật đối với từng đơn vị ở, từng khu chức năng; quy định chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng và các yêu cầu về kỹ thuật đối với từng tuyến đường; phạm vi bảo vệ, hành lang an toàn công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình ngầm (nếu có); quy định về nguyên tắc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đối với trục đường chính, không gian mở, điểm nhấn, công viên cây xanh, hồ điều hòa.

*Cập nhật: Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được phê duyệt tỉ lệ 1/5000 ngày 25/03/2023

Thắng Tây Hồ

Tôi yêu Tây Hồ, đam mê Bất động sản, thích âm nhạc, cụ thể là rock, chụp hình, dựng phim, viết lách, kinh doanh. Lý tưởng sống của tôi là chia sẻ, thế nên tôi lập ra blog này để chia sẻ về những điều đó.