Hà nội phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỉ lệ 1/5000
Ngày 25/3/2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), với quy mô 10,996,16 ha, thuộc địa giới hành chính thuộc 13 quận, huyện trong đó có quận Tây Hồ.
Tính chất và chức năng chính của quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng
Thứ nhất là không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ); Quy hoạch trong không gian thoát lũ từ đê cấp 1 (tả ngạn) tới đê cấp đặc biệt (hữu ngạn) hiện có dựa trên nguyên tắc: Không nâng cao các tuyến đê bối hiện có, không xây dựng đê bối mới; Không thu hẹp không gian thoát lũ, không đề xuất giải pháp đê mới trong đê cũ (không gian thoát lũ theo đê mới trong không gian thoát lũ theo đê cũ); Không làm thay đổi mục tiêu và tiêu chuẩn phòng, chống lũ của hệ thống sông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2016.
Thứ hai là trục không gian đặc trưng hành lang xanh: Cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch.
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tại quận Tây Hồ
Trên địa bàn quận Tây Hồ, phân khu đô thị sông Hồng có diện tích khoảng 1ha. Phân khu chủ yếu thuộc địa bàn phường Phú Thượng, Nhật Tân, Tứ Liên, Quảng An và Yên Phụ với khoảng 7,8 km đường đê Hữu Hồng.
Phân khu đô thị sông Hồng qua địa bàn quận Tây Hồ có địa giới giáp ranh với quận Bắc Từ Liêm, tính từ ngã ba Nhật Tảo – An Dương Vương. Đây là khu vực thuộc địa bàn phường Phú Thượng với khá nhiều nhà dân xây dựng kiên cố bên ngoài đê Hữu Hồng.
Khu vực phường Nhật Tân có bãi bồi rất lớn 2/3 dùng để trồng đào cảnh, khi quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt thì khu vực dân cư từ ngõ 464 Âu Cơ đến 234 sẽ hưởng lợi nhiều nhất.
Khu vực phường Quảng An phía ngoài đê có diện tích ít nhất so với các phường còn lại, do đó không mang nhiều ý nghĩa với bất động sản tại đây khi đề án được triển khai.
Phường Tứ Liên có tới trên 90% diện tích nằm ngoài đê (phía Đông đường Âu Cơ), trong đó hơn 1/3 diện tích là đất ở đô thị. Đây chính là phường sẽ hưởng lợi nhất Tây Hồ khi đề án quy hoạch đô thị sông Hồng được triển khai.
Hưởng lợi nhiều tiếp theo chính là phường Yên Phụ do có đến gần 80% diện tích là nằm phía bên kia đường Nghi Tàm, vị trí phường lại giáp ranh phố cổ, trong tương lai, tiềm năng tăng trưởng bất động sản nơi đây là rất lớn.
Phân khu đô thị sông Hồng tại quận Tây Hồ kết thúc ở đoạn gần sân bóng Hồng Hà, tính từ đoạn cầu đi bộ (địa giới quận Ba Đình).
Bất động sản Tây Hồ vốn đã đẳng cấp do sự phát tiên đầu tư hạ tầng của chính phủ, vị trí đắc địa, lịch sử văn hóa lâu đời, có lẽ điểm trừ duy nhất chỉ có thể là tình trạng quy hoạch chưa đồng bộ, mang tính tự phát phía ngoài đê, nhưng nay với việc quy hoạch phân khu đô thị ven sông Hồng được phê duyệt, vị trí số một về bất động sản tại Tây Hồ càng được củng cố, nâng lê một tầm cao mới.