Bất động sản phường Yên Phụ – vị trí đắc địa nhất quận Tây Hồ
Trong bất động sản vị trí là yếu tố quan trọng bậc nhất để xác định giá trị nhà đất, vị trí của từng khu vực cũng giúp các môi giới xác định mức giá trung bình, sau đó sẽ đến vị trí cụ thể của từng ngôi nhà. Ví dụ, giá nhà ở phố Quảng An sẽ khác giá nhà ở đường An Dương Vương rất nhiều, nhưng so với phố Nhật Chiêu cũng nhìn ra hồ Tây thì lại không chênh lệch lắm.
Vị trí của phường Yên Phụ.
Phường Yên Phụ phía nam giáp quận Ba Đình, phía bắc giáp phường Tứ Liên, phía đông là sông Hồng, còn phía Tây giáp hồ Tây.
Từ Yên Phụ mất khoảng 10 phút để vào khu phố cổ – Trung tâm văn hóa, nghệ thuật, vui chơi giải trí của kinh thành Thăng Long xưa lẫn Hà Nội ngày nay. Nhưng không giống Hoàn Kiếm xô bồ náo nhiệt, chật trội, mật độ dân số lên tới 34 nghìn người/km2, phường Yên Phụ rộng 1,45km2 (bằng 1/3 Hoàn Kiếm) nhưng mật độ dân số chỉ có 16,6 nghìn người/km2 (số liệu 2022).
Vị trí gần trung tâm, không gian thoáng mát, yên bình. Chỉ cần như thế thôi đã đủ gọi là khu vực đắc địa nhất quận Tây Hồ rồi.

Lịch sử phường Yên Phụ.
Thời phong kiến, làng Yên Hoa người dân sinh sống bằng nghề trồng dâu nuôi tằm, trồng hoa ngoài bãi sông Hồng, phía hồ Tây thì sinh sống bằng nghề chài lưới, nuôi cá cảnh, từ thế kỷ 13 bắt đầu có nghề làm hương. Năm đầu đời vua Thiệu Trị (1841), vì kỵ huý bà Hồ Thị Hoa (mẹ vua) nên làng phải đổi tên thành Yên Phụ.
Năm 1915, làng thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông. Từ năm 1981 là một phường của quận Ba Đình, từ năm 1995 là một phường của quận Tây Hồ.
Đời sống văn hóa phường Yên Phụ.
Làng Yên Phụ là địa danh, là cảm hứng sáng tác truyện Anh Phải Sống của Khái Hưng và Nhất Linh. Trong ca dao, thơ ca cũng có nhắc đến Làng Yên Phụ:
Hỡi cô đội nón ba tầm
Cô về Yên Phụ phiên rằm lại sang
Phiên rằm chợ chính Yên Quang
Yêu hoa anh đợi, hoa nàng mới mua.

Ở phường Yên Phụ nổi tiếng nhất chính là Chùa Trấn Quốc (Mới đầu có tên là Chùa Khai Quốc) được xây dựng từ thời Đinh, lúc mới xây thì chùa nằm ngoài bãi Yên Hoa, đến năm 1615 thì được chuyển vào gò Kim Ngư, an vị cho tới ngày nay.
Ngoài ra còn có Đình Yên Phụ được xây dựng từ thế kỷ 17, lưu giữ nhiều bảo vật như kiệu sơn son thiếp vàng, bia đá thời Lê Gia Tông (1672-1675). Hàng năm vào ngày 10/2 Âm lịch tại đây có hội đình làng Yên Phụ.
Từ ngày 9/2 dân làng làm lễ mộc dục (tắm tượng), là tổ chức rước kiệu từ đình sang chùa Trấn Quốc lấy nước thanh tịnh về đình để tắm tượng, sau đó hội tổ chức lễ bái ban mộc dục. Ngoài sân đình tưng bừng nhịp trống lễ hội với cảnh hát chèo, đánh cờ người, chọi gà, chọi chim …
Hạ tầng và tiện ích tại phường Yên Phụ.
Nếu ai quan tâm đến hình thức cho thuê lưu trú và am hiểu về thị trường bất động sản tại quận Tây Hồ sẽ nhất loạt động ý rằng phường Yên Phụ chính là cái nôi hình thành loại hình nhà cho người nước ngoài thuê tại Tây Hồ. Phải có khách sạn Thắng Lợi xây dựng năm 1973 và Hanoi Lake View Thanh Niên hoàn thiện năm 2001 thì Tây Hồ mới được nhiều người nước ngoài biết đến như ngày nay.
Từ những năm 2000, tận dụng ưu thế về vị trí, tại khu vực đường Làng Yên Phụ (nay là phố Vũ Miên) có rất nhiều tòa nhà căn hộ dịch vụ được xây mới, cùng với đó là nhiều tiện ích phục vụ đời sống hiện đại được hình thành phục vụ chủ yếu là khách nước ngoài sinh sống quanh khu vực.
Ngày nay đường chính Nghi Tàm đã được mở rộng từ 2 lên 4 làn xe, cầu vượt Thanh Niên – An Dương đã hoàn thiện, quy hoạch phân khu đô thị ven sông Hồng mới được duyệt, sắp tới sẽ mở rộng đường Yên Phụ đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến đường Thanh Niên, mở rộng đường An Dương, thêm một con đường mới song song với đường An Dương, chỉnh trang lại phố Yên Hoa chắc chắn sẽ làm phường Yên Phụ thay đổi rất lớn.
Tại phường Yên Phụ tới năm 2023 hiện có 2 trường học công là Tiểu học và THCS An Dương cùng 11 trường mầm non, chợ Yên Phụ ngõ 108 Nghi Tàm từ trước tới nay vẫn là nơi cung cấp hầu hết những dịch vụ thiết yếu cho bà con nơi đây, ngoài ra còn có thêm rất nhiều những cửa hàng tiện lợi khác dễ dàng được tìm thấy.

Bất động sản phường Yên Phụ.
Trước năm 2017, thị trường mua bán nhà đất phường Yên Phụ chủ yếu sôi động ở trong đê, đặc biệt là tại làng Yên Phụ, phố Yên Hoa, đường Nghi Tàm (bên chẵn) và đường Yên Phụ, phía bên ngoài đê rất ít được quan tâm do hạ tầng chưa phát triển, quy hoạch tự phát, theo một số khách hàng của tôi phản hồi là “có hơi lộn xộn”, người tìm mua nhà rất ít, nếu có chỉ tìm hiểu khu tập thể F361 do đây là khu vực được quy hoạch hẳn hoi, dân trí cao, đa phần là cán bộ quân đội, quân nhân.
Sau năm 2017 khi có thông tin quy hoạch A6 Tp.Hà nội và đề án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, thị trường nhà đất ngoài đê Yên Phụ sôi động hơn hẳn, giá nhà đất liên tục tăng từ đó tới nay.
Điều đó rất dễ hiểu vì sau quy hoạch, hạ tầng giao thông, tiện ích xã hội cộng vị trí cạnh sông, gần phố sẽ tạo cho khu vực này không gian sống lý tưởng.
Có thể thấy, từ lịch sử văn hóa, vị trí địa lý, tiện ích cho tới hạ tầng và tiềm năng phát triển, phường Yên Phụ đều có đủ các yếu tố để những nhà đầu tư bất động sản xuống tiền chọn mặt gửi vàng tại đây.